Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
18/06/2020 23:09

Kể chuyện lịch sử báo chí Việt Nam bằng hiện vật

(Theo qdnd.vn)

Bước vào không gian còn vương mùi sơn, từng chiếc máy ảnh, máy quay phim, mỗi tờ báo đã phai màu vì thời gian được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (tọa lạc tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến cho những người cầm bút cảm thấy vô cùng tự hào về nền báo chí nước nhà.

Hơn 20.000 hiện vật, tài liệu quý về lịch sử báo chí Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bao gồm 3 dự án thành phần là: Dự án trưng bày; Sưu tầm hiện vật và tài liệu; Tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng. Ngày 21-8-2014, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là “bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt Nam quản lý” và “bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020” (Công văn số 1353/TTg-KGVX, ngày 1-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ). Lễ công bố Quyết định và ra mắt Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 16-8-2017.

Kể chuyện lịch sử báo chí Việt Nam bằng hiện vật
Hiện vật máy ảnh của các nhà báo trưng bày tại Bảo tàng.

Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các dự án thành phần nói trên. Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật đã và đang tiếp tục triển khai, đã sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, trong đó, có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam. Các không gian trưng bày của Bảo tàng được bố trí trên diện tích gần 1.500m2.

Đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, người xem được thấy một số điểm nhấn trong các không gian trưng bày gồm: Hình tượng bút sen ở gian khánh tiết; Báo Thanh Niên ở gian 1925-1945; Báo chí chiến khu gian 1945-1954; Làm báo dưới hầm ở gian 1954-1975; Khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình; Khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam…

Nói về quá trình sưu tầm hiện vật, chị Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Quá trình sưu tầm hiện vật và xây dựng bảo tàng là một quá trình dài, năm 2014, khi tôi về tiếp nhận công việc quản lý Dự án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, thời điểm đó, chúng tôi có khoảng 500 hiện vật của các nhà báo lão thành công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam. Tuy nhiên, để có hơn 20.000 hiện vật và đủ tự tin xây dựng bản thiết kế và tiến đến thi công trưng bày, chúng tôi có quá trình dài 6 năm liền đi sưu tầm hiện vật. Nhờ sự tiếp sức của các nhà báo lão thành, các gia đình nhà báo, cơ quan báo chí, chúng tôi đã có một lượng hiện vật phong phú, giúp chúng tôi có cái nhìn tương đối tổng quát về lịch sử báo chí Việt Nam.

Kể chuyện lịch sử báo chí Việt Nam bằng hiện vật
Hiện vật mô phỏng hệ thống loa phát thanh tuyên truyền trong những năm chiến tranh ở Quảng Trị.

Là một trong những người đặt “viên gạch” đầu tiên để hình thành Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ông Lê Quốc Trung, cố vấn Bảo tàng cho biết: Quá trình xây dựng bảo tàng là một quá trình lâu dài, chúng tôi bắt đầu khởi xướng từ năm 2007-2008. Thế nhưng đến năm 2020, Bảo tàng mới chính thức mở cửa để đón khách tham quan. Đây là sự cố gắng rất lớn vì chúng tôi bắt đầu bằng 2 “bàn tay trắng”. Tờ báo đầu tiên ra đời đã 155 năm, nền báo chí cách mạng ra đời đến nay cũng đã 95 năm. Với thời gian dài như vậy, để thu thập các hiện vật trưng bày tương đối đầy đủ cả tiến trình lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam là điều hết sức khó khăn, chưa kể các hiện vật báo chí không như các loại hiện vật lớn khác có thể bền vững lâu dài, các loại hiện vật bằng giấy dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, với sự cố gắng của cả tập thể những người làm công tác trong bảo tàng của Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí, Bảo tàng đã có số lượng hiện vật tương đối đầy đủ của các thời kỳ để trưng bày.

Nói về vai trò của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảo tàng chuyên ngành và có vị trí vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ lưu giữ những hiện vật báo chí mà còn là nơi lưu giữ những di sản văn hóa từ thời gian đầu hình thành nền báo chí nước nhà đến nay.

Ứng dụng công nghệ số vào trưng bày

Chị Trần Kim Hoa cho biết: Hiện nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã triển khai theo hướng xây dựng hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào trưng bày. Các hệ thống màn hình đều đã tích hợp những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến đời sống báo chí, hoạt động báo chí và cống hiến của báo chí các thời kỳ và tôi mong muốn kho tư liệu hiện vật của Bảo tàng sẽ ngày càng nhiều hơn nhờ sự hợp tác của các nhà báo.

Từng đến Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhiều lần để tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu phục vụ cho việc học tập, em Nguyễn Thu Hạnh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời, đã giúp cho các sinh viên dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam và những cống hiến của các thế hệ nhà báo đi trước".

Kể chuyện lịch sử báo chí Việt Nam bằng hiện vật
Khu vực tưởng niệm các nhà báo đã hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, luôn coi trọng học phần liên quan đến lịch sử, đặc biệt là lịch sử báo chí. Khi đến Bảo tàng, sinh viên không chỉ được trải nghiệm về quá trình hình thành, phát triển ngành nghề của mình mà còn được “nuôi dưỡng” tinh thần làm báo của thế hệ tiền bối để các em có thêm động lực, xác định rõ hơn sứ mệnh, vai trò của người làm báo.

“Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông hợp tác với Bảo tàng Báo chí Việt Nam và chúng tôi dự định, tất cả học phần liên quan đến lịch sử báo chí từ cử nhân đến tiến sĩ, Viện sẽ bố trí cho các em trực tiếp học tại bảo tàng, bằng những ví dụ sinh động, trực quan thông qua những hiện vật. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định vai trò của mình là đồng hành, chia sẻ, phối hợp và hỗ trợ bảo tàng trong việc xây dựng ý tưởng thiết kế, trưng bày cũng như tìm kiếm những tư liệu và có những nghiên cứu về học thuật để đưa ra những hiện vật, di sản có tính tiêu biểu nhất cho lịch sử phát triển của báo chí Việt Nam hiện nay”, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương cho biết.

Kể chuyện lịch sử báo chí Việt Nam bằng hiện vật
Hiện vật gồm vật dụng được sử dụng trong buồng tối để in, tráng ảnh của phóng viên Báo ảnh Việt Nam trong chiến tranh.

Khi đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, người xem sẽ được thấy nhiều hiện vật gốc. Theo ông Lê Quốc Trung, Bảo tàng đang cố gắng trưng bày hiện vật gốc, tất nhiên cũng có hiện vật phục chế nhưng ở số lượng không nhiều. Trong số đó những hiện vật gốc là những vật dụng được sử dụng trong buồng tối để in, tráng ảnh phóng viên Báo ảnh Việt Nam (TTXVN). Đây là hiện vật của những phóng viên ảnh trong thời kỳ chiến tranh.

Chính thức đón khách tham quan từ ngày 19-6, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2020), Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật của các nhà báo mà còn địa điểm học tập cho các sinh viên theo học ngành báo chí và cũng là nơi để du khách tìm hiểu, tham quan, nghiên cứu.

KHÁNH HUYỀN - VIỆT CƯỜNG
Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ke-chuyen-lich-su-bao-chi-viet-nam-bang-hien-vat-623146

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam