90 năm báo Đảng & tờ báo 70 tuổi Đảng
Một bộ sưu tập với gần 300 tài liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá là những tờ báo, tạp chí mang nhiều giá trị thông tin đặc sắc mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang tập hợp, lưu giữ đã thôi thúc chúng tôi tìm đến để tận mắt được nâng niu khám phá về những ấn phẩm báo chí của Đảng trong hành trình từ năm 1925 đến nay.
90 năm báo Đảng...
“Tự hào báo Đảng” là tên sự kiện mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản dự kiến thực hiện đầu tháng 2 năm nay nhưng do dịch Covid-19 đã phải hoãn lại. Ý tưởng, tâm huyết của những cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho sự kiện này đã thể hiện rất rõ ngay trong bộ sưu tập quý, và đầy ý nghĩa, để chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, và sắp tới vào ngày 11 tháng 3 là ngày truyền thống của Báo Nhân Dân - tờ báo Đảng có 70 năm tuổi Đảng.
Nhà báo Trần Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Bộ sưu tập đã được ấp ủ, chuẩn bị công phu, khá đầy đủ thông tin, sẵn sàng phục vụ trưng bày khi cần. Nhân sự kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng tôi muốn nhìn nhận lại những tờ báo Đảng trong lịch sử đã có những đóng góp như thế nào, đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Đảng ra sao... nên đã tập hợp lại những tư liệu, hình ảnh và càng sưu tầm, càng hiểu, càng cảm thấy tự hào. Báo Đảng đã thực sự là công cụ, vũ khí chiến đấu hiệu quả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi chọn một cái tên rất ngắn là “Tự hào báo Đảng” để mong có thể gói ghém, truyền tải được những thông điệp đó. Trên thực tế bộ sưu tập không chỉ có báo, mà có cả tạp chí và các hình thức báo chí hiện đại khác như truyền hình, báo điện tử...”.
Khu vực trưng bày Báo Nhân dân tại Bảo tàng báo chí Việt Nam (ảnh Mai Chí Vũ).
Sau những chia sẻ ấy, chúng tôi gặp chuyên viên Bảo tàng Nguyễn Văn Ba và được nghe kể chi tiết về “kho báu” quý hiếm này, càng thấy tiếc nuối khi gần 300 hiện vật chưa có dịp trình ra công chúng. Đó là dấu ấn của ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số 1, mở đầu lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Sau đó, từ năm 1930, báo Đảng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng trở thành phương tiện, vũ khí sắc bén thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động và tổ chức quần chúng, góp phần đắc lực vào tiến trình đấu tranh giành chính quyền và khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945.
Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, hệ thống báo Đảng hình thành và phát hành rộng rãi ở Trung ương đến các địa phương với nhiều hình thức xuất bản linh hoạt, công khai và bí mật. Sau ngày đất nước thống nhất, báo Đảng tiếp tục đi đầu trong hành trình đổi mới, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân, tham gia tổng kết lý luận và thực tiễn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, trở thành người bạn tin cậy đồng hành cùng bạn đọc trong và ngoài nước. Có thể thấy, ngoài các ấn phẩm báo in, báo Đảng ngày càng phong phú về chất lượng và hấp dẫn về nội dung với các loại hình báo điện tử và truyền hình.
Giai đoạn năm 1945 - 1954, một giai đoạn ngắn trong lịch sử báo chí nước nhà và lịch sử báo chí của Đảng, song đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khẳng định được vai trò tích cực của báo chí trong đời sống kháng chiến và góp phần khắc họa được diện mạo, vị thế mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ trên bản đồ thế giới. Nhiều cơ quan báo chí lớn của Đảng như báo Sự Thật, Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Dân chúng… đã ra đời, kịp thời gánh vác sứ mệnh của mình. Năm 1954 - 1975, là giai đoạn báo Đảng có nhiều dấu ấn nổi bật trong lịch sử báo chí nước nhà, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất nước nhà; đồng thời đề cao việc thông tin kịp thời tình hình chiến sự, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, góp phần tuyên truyền cho bạn bè thế giới hiểu rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam...
Đặc biệt, giai đoạn từ năm 1975 đến nay, đất nước thống nhất, báo chí Việt Nam bước vào thời kỳ mới, hình thành mạng lưới báo chí rộng khắp các tỉnh thành. Báo Đảng đi đầu trong việc tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền kinh tế mới, con người mới. Kể từ năm 1986, sau Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VI, luồng sinh khí đổi mới thổi vào báo chí một cách mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện. Báo Nhân Dân đi đầu với chuyên mục Nói & Làm ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống đất nước nói chung và đời sống báo chí nói riêng. Báo Đảng nhìn chung đã có những bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Nội dung, hình thức thông tin ngày càng phong phú, sinh động và hấp dẫn. Cuối thập kỷ 90, đầu những năm 2000, hệ thống báo Đảng cả nước mở rộng kênh thông tin điện tử và tăng cường hội nhập, giao lưu quốc tế...
Điểm nhấn của Báo Đảng trong kháng chiến: Báo Nhân Dân ra số 1
“Báo Nhân Dân ra số 1 như thế nào?” là tên bài viết kể lại sự ra đời ngày 11/3/1951 của Báo Nhân Dân của nhà báo cách mạng xuất sắc Thép Mới, về dấu ấn đặc biệt của tờ báo lớn nhất của Đảng nay sang tuổi 70. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng không chỉ bởi trong thời điểm thời sự này mà còn bởi qua một bài viết để thấy có rất nhiều kỷ niệm một thời đáng nhớ, những giá trị lịch sử luôn còn mãi với thời gian. Nhà báo Thép Mới viết: Số báo Nhân Dân đầu tiên đề ngày 11/3/1951 đã được vinh dự công bố chính cương, điều lệ của Đảng. Bài văn chính luận lớn của số báo là bài báo quan trọng của đồng chí Trường Chinh, lần đầu tiên công khai trình bày đồng chí Hồ Chí Minh như người lãnh tụ giai cấp: “Hồ Chủ tịch, Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta”. Chân dung Bác Hồ, để minh họa cho bài, là của đồng chí Lê Minh Hiền, trong đoàn nghệ sĩ hội họa, nhiếp ảnh vì điện ảnh Nam Bộ được Đảng bộ Nam Bộ cử ra ghi cho đồng bào và đồng chí miền Nam những hình ảnh của Đại hội.
Trong bài viết, ông kể lại tường tận về cuộc họp quyết định số báo đầu tiên khá nhiều những chi tiết đắt và giá trị để thấy rằng cách đây 70 năm, dù làm nghề trong một bối cảnh nhiều thách thức, việc ra đời tờ báo vẫn mang một không khí và tinh thần làm báo sôi nổi, thấy được “lửa nghề” qua từng công đoạn sản xuất:
“Hai đồng chí phụ trách đều đọc lại một lượt toàn bộ bài vở và cho ý kiến cụ thể về trình bày, tôi được phân công đem đi in. Từ Ngòi Trinh là nơi họp Đại hội về đến cơ quan báo đóng ở Khuôn Câm (Chợ Chu), đi mất một ngày rưỡi đường rừng, vòng sau lưng dãy núi Hồng. Về đến cơ quan ở Khuôn Câm, tôi trình bày toàn bộ số báo với đồng chí Hoàng Tùng là người trực tiếp phụ trách cơ quan báo, được đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn quyết định đăng tên lên báo. Cho nên, trên trang 8 của số báo, có ghi rõ đồng chí Hoàng Tùng là người trực tiếp phụ trách cơ quan báo. Sự ghi rõ này là cần thiết về pháp lý, chứng tỏ Đảng rất tôn trọng luật lệ Nhà nước. Đồng chí Hoàng Tùng ngay tối đó xem lại một lần nữa và dặn dò thêm về công tác xuất bản. Sáng hôm sau, tôi lại mang toàn bộ bài vở xuống nhà in Việt Hưng là một nhà in mới thành lập đặt ở phần Đèo Khế, gần trục giao thông quan trọng, để tiện phát hành đi cả nước. Từ Khuôn Câm đến Đào Khở, một nửa ngày đường, khi mang bài vở đến nơi thì toàn bộ xí nghiệp in lao vào sắp chữ ngày đêm với một khí thế vui chưa từng có. Những tập báo đầu tiên Nhân Dân số 1 vừa ra khỏi máy có quân bưu đợi sẵn hỏa tốc đưa xuống mặt trận đường số 18 bên sông Bạch Đằng để đến tay chiến sĩ trước giờ mở chiến dịch”.
Có thể nói, báo chí của Đảng nói chung mà tiêu biểu là Báo Nhân Dân, trong mỗi thời kỳ đều thể hiện rất rõ nét vai trò và sứ mệnh tiên phong của mình. Ở đó, “lửa chiến đấu” là đặc trưng, là sức mạnh nổi bật nhất mà đến hôm nay, tinh thần đó vẫn đang tiếp tục được giữ vững và phát huy trên mỗi số báo, mỗi chương trình truyền hình, mỗi tin bài được đăng tải...
Nguồn: congluan.vn