Báo cáo phương án thiết kế tổng thể trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Tham dự cuộc họp có đồng chí Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Các đồng chí trong Hội đồng Khoa học Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Các chuyên gia về Bảo tàng, lịch sử, hội họa; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam; cùng đại diện đơn vị Tư vấn thiết kế, Quản lý Dự án.
Tại cuộc họp, nhà báo Trần Kim Hoa- Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam và đại diện đơn vị Tư vấn thiết kế đã trình bày tóm tắt bản thiết kế tổng thể trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Theo bản dự thảo phương án thiết kế tổng thể trưng bày, bao gồm có 11 không gian trưng bày, trong đó có các chuyên đề, chủ đề cụ thể theo tiến trình lịch sử của đất nước…
Nhận xét về phương án thiết kế tổng thể trưng bày, với sự quan tâm, ủng hộ và trách nhiệm, các đồng chí trong Hội đồng Khoa học đã ghi nhận và thẳng thắn chỉ ra những mặt được và mặt còn hạn chế của bản thiết kế thi công tổng thể, đồng thời tiếp tục đề xuất, hiến kế rất nhiều ý kiến xác đáng, thiết thực và quý báu.Bà Trần Kim Hoa- Giám đốc Bảo tàng BCVN phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ba
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và đánh giá cao về phương án phân bổ mặt bằng trưng bày theo các tuyến tham quan về cơ bản là hợp lý và đã phần nào nhìn thấy được "hình hài" của Bảo tàng Báo chí Việt Nam;
Tuy nhiên, từng khu vực trưng bày cần phải xác định được định danh một cách chính xác, có tên gọi với tính hấp dẫn cao; Vì điều kiện diện tích trưng bày có hạn nên cần tận dụng tối đa việc sử dụng công nghệ thông tin, chỉ trưng bày những hiện vật mang tính chất tiêu biểu, đại điện; Trong các gian trưng bày theo từng giai đoạn lịch sử cần đặc biệt chú ý chọn các sự kiện nổi bật (trong đó có các điểm nhấn) và các nhân vật liên quan đến các sự kiện nổi bật ấy hay các sản phẩm báo chí tiêu biểu.
GS. TS Tạ Ngọc Tấn- Nguyên Phó Chủ tịch HNBVN phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ba
Bên cạnh đó, cần phải cân đối giữa các loại hình báo chí và các cơ quan báo chí; giữa báo chí Trung ương và địa phương, báo chí của các ngành, đoàn thể; cân đối hài hòa các chủ đề, nội dung giữa chiến tranh và hòa bình, chiến đấu bảo vệ và xây dựng, đổi mới, quan hệ quốc tế.
Đồng thời hết sức chú ý gian trưng bày Chuyên đề. Điều này đòi hỏi cần sự công phu trong việc lựa chọn và trong các giai đoạn lịch sử cần xác định tầm vóc, vị trí của từng giai đoạn để bố trí không gian cho phù hợp… Nên xem xét và chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong tra cứu. Làm sao để du khách khi tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thể nắm bắt và hiểu về lịch sử đất nước một cách rõ ràng và hấp dẫn nhất…
Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ba
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thay mặt Thường trực Thường vụ Hội và Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã ghi nhận và hoan nghênh đơn vị thiết kế đã phát huy trách nhiệm cao nhất để hình thành nên bản dự thảo thiết kế trưng bày tổng thể trình xin ý kiến tại buổi họp này. Đặc biệt, đồng chí đã bày tỏ sự cảm kích về những ý kiến đóng góp của các đồng chí Ủy viên Hội đồng khoa học, các chuyên gia trong suốt thời gian dài vừa qua và đặc biệt trong cuộc họp hôm nay. Bằng tình cảm, tâm huyết với báo chí Việt Nam, với Hội Nhà báo Việt Nam đã đóng góp, hiến kế thêm nhiều ý kiến thiết thực và giá trị vào các mặt nội dung và trong quá trình xây dựng, chỉnh sửa các phương án thiết kế tổng thể trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị, từ nền tảng này, đơn vị thiết kế thi công cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến quý báu, có giá trị thiết thực của Hội đồng khoa học, các chuyên gia, đại biểu để gạn lọc, khẩn trương bổ sung, chỉnh sửa, sớm hoàn thiện bản Dự án thiết kế trưng bày tổng thể Bảo tàng Báo chí Việt Nam để trình xin ý kiến, phê duyệt, nhằm góp phần đẩy mạnh tiến độ xây dựng Bảo tàng Bảo chí Việt Nam.
Nguồn: congluan.vn