Chia sẻ nghiệp vụ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Tại buổi trao đổi kinh nghiệm, đại biểu hai bảo tàng đã chia sẻ quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của đơn vị mình. Đồng thời thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu, tổ chức trưng bày; phát triển, sưu tầm hiện vật; chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề bản quyền, số hóa tư liệu và nghiên cứu.
Các đại biểu cũng cập nhật kinh nghiệm quản lý, bảo quản các hiện vật, đưa ứng dụng công nghệ cao vào quản lý thông tin của hiện vật, quản lý, bảo quản bộ sưu tập, đánh giá các rủi ro có thể xảy ra khi bảo quản, vận chuyển hiện vật…
Tại buổi giao lưu hai bảo tàng đã chia sẻ quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của đơn vị mình. Ảnh Lê Tâm
Tiếp và trao đổi thông tin với đoàn, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Đơn vị được thành lập trên cơ sở căn cứ Công văn số 1353/TTg-KGVX ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý bổ sung Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.
Ngay sau đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức vận động hiến tặng hiện vật trong các cấp Hội nhà báo, trong đó nhiều nhà báo lão thành đã tích cực tham gia vào công tác thu thập tài liệu, hiện vật. Thời điểm ban đầu đã có 500 hiện vật được tổng hợp, lưu giữ…
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ thêm: “Từ năm 2015, phát huy hiệu quả của đợt sưu tầm hiện vật trước, đơn vị đã nhân rộng việc sưu tầm ra các chi hội từ các cơ quan báo chí trung ương và các cơ quan báo chí địa phương trong cả nước. Tất cả những hiện vật đều được lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tiếp nhận và giao lại cho bảo tàng”. Đây là tiền đề quan trọng để ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình phát triển, đặc biệt thời gian từ khi có quyết định thành lập là năm 2017. Ảnh Lê Tâm
Tại buổi tiếp và làm việc, với tinh thần cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng nêu một số thông tin trong quá trình đi sưu tập, lưu giữ hiện vật, phân loại, vận chuyển… đồng thời thông tin về triển khai dự án, xây dựng, thiết kế, lên ý tưởng, trình bày cho đến việc tổ chức bộ máy sao cho hiệu quả nhất.
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam hy vọng rằng trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu... nhằm nâng cao chất lượng trưng bày, tiếp tục thu hút công chúng.
Trung tá Nguyễn Thành Lê, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: “Qua việc đi thăm thực tế bảo tàng Báo chí Việt Nam và nghe những chia sẻ của lãnh đạo bảo tàng tôi nhận thấy cán bộ, nhân viên bảo tàng đã có những cố gắng, nỗ lực không ngừng, với khối lượng hiện vật thu thập và phải lưu giữ lớn trong khi nguồn nhân lực còn thiếu nhưng bảo tàng đã có những tìm tòi sáng tạo, phân công triển khai các nhiệm vụ rất bài bản và hiệu quả”.
Lãnh đạo Bảo làng Lịch sử Quân sự Việt Nam nghe giới thiệu về các hiện vật tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh Lê Tâm
“Với diện tích còn nhỏ hẹp nhưng bảo tàng đã thể hiện khá đầy đủ và toàn diện lịch sử Báo chí Việt Nam cũng như sự phát triển ở các thời kỳ từ lúc ban đầu đến hiện đại…việc tư liệu hóa, số hóa được triển khai rất đầy đủ”, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ thêm.
Nhân dịp này, Phó Giám đốc Bảo làng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng chia sẻ một số kinh nghiệm và nêu định hướng, kế hoạch phát triển bảo tàng lịch sử quân sự trong thời gian tới…
Một số hình ảnh về Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Ảnh: Thuận Nguyễn):
Với không gian trưng bày về lịch sử báo chí xuyên suốt từ thời kỳ kháng chiến cho đến nay.
Không gian trưng bày về báo chí địa phương.
Giới thiệu một số hiện vật máy ảnh, máy đánh chữ được sử dụng để làm báo.
Nguồn: congluan.vn