Bảo tàng báo chí Việt Nam: nơi kể chuyện lịch sử báo chí bằng hiện vật
Hệ thống trưng bày của bảo tàng được bố trí tại tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà. Tầng 1 gồm gian khánh tiết cùng 4 không gian trưng bày báo chí được chia theo các giai đoạn lịch sử: 1865 - 1925; 1925 - 1945; 1945 - 1954 và 1954 - 1975. Không gian khánh tiết, không gian trang trọng của Bảo tàng, nổi bật với biểu tượng với biểu tượng trung tâm là hình ảnh ngòi bút được đặt trong những cánh sen với ý nghĩa sâu sắc. “Bút sắc, lòng trong” là thông điệp từ hình ảnh ngòi bút mà các thế hệ người làm báo Việt Nam luôn hướng tới. Hình ảnh cánh sen được kết bởi tên các tờ báo và các cơ quan báo chí từ khi tờ báo Việt Nam đầu tiên ra đời đến nay.
Tầng 2 là không gian trưng bày sự đổi mới, phát triển và hội nhập của báo chí cách mạng Việt Nam với các tiểu chủ đề: Báo chí với chủ quyền biển đảo; An sinh và phát triển, báo chí thời kỳ đổi mới... Điểm nhấn tại không gian này là chủ đề báo chí địa phương. Do diện tích khá nhỏ nên không gian trưng bày được thiết kế thành các ô có trục xoay. Trên mỗi ô thể hiện thông tin về lịch sử báo chí của các tỉnh, thành phố kèm theo màn hình chạm giới thiệu di sản báo chí của mỗi địa phương.
Nguyễn Anh Thư, sinh viên Học viên báo chí và tuyên truyền, đến thăm quan bảo tàng, chia sẻ: "Báo chí cách mạng Việt Nam đã rất phát triển và qua đây thì em cũng cảm thấy tự hào hơn và em cũng muốn tiếp tục đóng góp phát triển báo chí nước nhà như các thế hệ đi trước."
Để tái hiện bức tranh toàn cảnh về lịch sử báo chí Việt Nam, các không gian trưng bày của bảo tàng giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật đặc sắc, trong đó có nhiều hiện vật độc đáo, quý hiếm đánh dấu những sự kiện quan trọng trong dòng chảy của lịch sử báo chí Việt Nam. Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc bảo tàng, cho biết:`
Bảo tàng có trên 20 nghìn hiện vật, tư liệu. Trong số đó có khoảng 700 hiện vật tư liệu tiêu biểu, độc đáo, có những câu chuyện hấp dẫn, được đưa ra trưng bày tại bảo tàng. Hầu hết là hiện vật gốc, rất ít hiện vật phục chế tại đây.
Một trong số các hiện vật nổi bật tại Bảo tàng là chiếc loa có công suất 500W đặt tại bờ Bắc sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị, miền trung của Việt Nam), phát đi chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, giúp nối liền thông tin và kết nối tình đoàn kết ruột thịt của đồng bào giữa 2 bờ giới tuyến Bắc-Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngoài ra, còn có “hầm báo” Nhân dân dưới làn bom đạn, phòng tối tráng ảnh của Thông tấn xã Việt Nam hay chiếc máy quay “ngựa trời” đánh dấu sự khai sinh của truyền hình Việt Nam... Cán bộ bảo tàng đã có công tìm hiện vật, những tư liệu gốc. Tất cả những cái đó tạo ra một ấn tượng sâu sắc đó người xem, đặc biệt là những người làm báo thì nó gợi cho mình cả một kỷ niệm của một thời làm báo. "Trình bày này rất tuyệt vời. Những nhà thiết kế trưng bày đã dựng lên được lịch sử báo chí Việt Nam từ buổi ban đầu cho đến hiện nay. Tôi nghĩ rằng nó giúp cho chúng ta nhìn nhận một cách toàn cảnh cái báo chí Việt Nam ở trong bối cảnh của báo chí quốc tế."
Hỗ trợ cho nhu cầu xem, đọc, nghiên cứu của du khách, Bảo tàng báo chí Việt Nam bố trí 1 cách khoa học các màn hình tivi, màn hình chạm phục vụ nhu cầu tra cứu của người xem trên toàn tuyến trình bày.
Về tổng thể, mỗi không gian trong bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tái hiện lịch sử nghề báo những giai đoạn phát triển của báo chí nước nhà qua hàng ngàn hiện vật tư liệu quý được trưng bày sắp xếp khoa học theo tiến trình lịch sử với những điểm nhấn thu hút. Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: "Đến bảo tàng báo chí Việt Nam, chúng ta không chỉ thấy lịch sử của báo chí Việt Nam mà chúng ta còn thấy lịch sử của đất nước mình, của dân tộc mình, nhìn thấy ở đây dòng chảy của lịch sử, dòng chảy của văn hóa lịch sử, của đấu tranh, của phát triển đất nước. Đi qua các gian trưng bày, tôi cảm thấy hết sức cảm động. Chúng ta tự hào về nền Báo chí cách mạng Việt Nam và cảm thấy báo chí đã có đóng góp hết sức to lớn và xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước."
Hiện nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã ứng dụng công nghệ số vào trưng bày. Các hệ thống màn hình đều đã tích hợp những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến đời sống báo chí, hoạt động báo chí và cống hiến của báo chí các thời kỳ. Giám đốc bảo tàng, bà Trần Kim Hoa mong muốn kho tư liệu hiện vật của Bảo tàng sẽ ngày càng nhiều lên trong thời gian tới để bảo tàng xứng tầm là nơi lưu giữ những di sản của báo chí Việt Nam.
Hiền Hoa
Nguồn: https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/bao-tang-bao-chi-viet-nam-noi-ke-chuyen-lich-su-bao-chi-bang-hien-vat-1305393.vov