Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
27/11/2018 21:26

Bảo tàng hiện đại cần sự kết hợp của “khoa học, nghệ thuật và công nghệ”

Đây là một trong trong những nội dung được các diễn giả chia sẻ trong buổi tọa đàm “Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội. Tham dự buổi tọa đàm có nhà báo Mai Đức
Đây là một trong trong những nội dung được các diễn giả chia sẻ trong buổi tọa đàm “Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội. Tham dự buổi tọa đàm có nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam. Về phía diễn giả có PGS. TS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản, bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, hiện là Cố vấn, Quản lý Bảo tàng Áo dài và ông Triệu Hiển, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cùng đông đảo lãnh đạo các bảo tàng bạn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Toàn cảnh buổi tọa đàm 
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho rằng Bảo tàng Báo chí mới ra đời, muốn có tên trên bản đồ bảo tàng trong nước và khu vực thì cần phải tiếp cận những nội dung mới nhất, những yêu cầu mới cần đặt ra trong việc xây dựng bảo tàng hiện đại.
 Nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu
“Chúng tôi hi vọng sẽ được lắng nghe những chia sẻ của các bậc tiền bối, những người đi trước đã làm công tác bảo tàng thành công ở Việt Nam để có thể khai thác tốt hơn những giá trị di sản báo chí Việt Nam”, Nhà báo Trần Thị Kim Hoa đề đạt. Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nhận định việc xây dựng bảo tàng hiện đại xuất phát điểm đầu tiên là xây dựng đề cương, kịch bản trưng bày với các nội dung trưng bày thường xuyên và chuyên đề mang tính khoa học và bám sát các bộ sưu tập tài liệu, hiện vật. Tiếp đến là kiến trúc xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về thuận tiện giao thông với không gian mở và có các khu chức năng hợp lý để thu hút được đông đảo công chúng.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam phát biểu
“Với chính sách hợp lý hướng đến công chúng ở mọi tầng lớp và lứa tuổi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nơi tôi từng làm giám đốc đã từng bước không chỉ tự chủ được kinh phí và còn đóng góp hàng tỉ đồng cho ngân sách nhà nước”, bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, để xây dựng bảo tàng hiện đại cần có ba yếu tố là khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Lấy ví dụ về Bảo tàng 11/9 ở New York và Bảo tàng người Mỹ gốc Phi ở Washington DC, Mỹ, PGS. Nguyễn Văn Huy đã mô tả sự thành công của các Bảo tàng này không chỉ đến từ không gian trưng bày, những câu chuyện kể hấp dẫn mà còn đến từ sự kết hợp hài hòa giữa hiện vật và ứng dụng công nghệ. “Các bảo tàng này đều gây xúc động mạnh cho người xem và thu hút rất nhiều công chúng. Đây là minh chứng rõ nét nhất về sự thành công của việc kết hợp kiềng ba chân “khoa học, nghệ thuật, công nghệ” trong việc xây dựng các bảo tàng hấp dẫn”, PGS Huy nhấn mạnh. Về phần mình, diễn giả Triệu Hiển, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chia sẻ về những đóng góp tích cực và nhân văn của bảo tàng đối với xã hội đồng thời nhấn mạnh bảo tàng ngày nay phải hướng đến công chúng vì công chúng đặc biệt là các công chúng yếu thế.
Các Diễn giả và đại biểu tại tọa đàm thảo luận về việc đào tạo đội ngũ những người làm bảo tàng đáp ứng nhu cầu nhân sự trong thời kỳ mới và việc liên kết chặt chẽ giữa các bảo tàng với các ngành khác 
“Bảo tàng hiện nay không phải chỉ trưng bày những gì mình có mà luôn luôn phải quan tâm đến công chúng và tập trung toàn bộ các tiện ích hướng đến họ”, ông Triệu Hiển cho biết khi chia sẻ về nhiều mô hình bảo tàng giáo dục thành công trên thế giới. Các Diễn giả và đại biểu tại tọa đàm cũng thảo luận về việc đào tạo đội ngũ những người làm bảo tàng đáp ứng nhu cầu nhân sự trong thời kỳ mới và việc liên kết chặt chẽ giữa các bảo tàng với các ngành khác như du lịch, giáo dục và hợp tác quốc tế có hiệu quả thông qua một số tấm gương từ Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Áo dài… Phát biểu bế mạc buổi tọa đàm, nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam hoan nghênh Bảo tàng Báo chí đã tổ chức buổi tọa đàm thành công và cám ơn các diễn giả về các thông tin bổ ích với nhiều gợi ý quan trọng có thể giúp ích rất nhiều cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Nhà báo Mai Đức Lộc cho biết việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một trong những công việc trọng tâm của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ này và hi vọng các di sản báo chí được trưng bày trong Bảo tàng Báo chí sẽ là “bộ mặt của quá khứ được lưu giữ và làm sống động lại” đáp ứng mong đợi của hơn 20 ngàn hội viên của Hội, đáp ứng mong đợi của các phóng viên, nhà báo và đông đảo công chúng. Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào ngày 28 tháng 7 năm 2017. Hiện Bảo tàng đang khẩn trương triển khai thi công thiết kế và trưng bày và dự kiến sẽ mở cửa đón khách tham quan từ cuối năm 2019.

Nguồn: congluan.vn

http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/bao-tang-hien-dai-can-su-ket-hop-cua-khoa-hoc-nghe-thuat-va-cong-nghe-49669
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam