Cận cảnh Bảo tàng Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam
Bảo tàng nằm tại tầng 2 khu chính điện của chùa Quán Âm ngũ giác đài sen ngọc, thuộc quần thể danh lam thắng cảnh quốc gia Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
Toàn cảnh không gian bảo tàng.
Hàng trăm hiện vật gồm tượng Phật, tượng các vị tiền hiền, dụng cụ thờ phụng đạo Phật trưng bày ở đây có sự đa dạng về niên đại, chất liệu, kích thước, phong phú về thể loại. Bảo tàng gồm nhiều bộ sưu tập phản ánh di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như Thái Lan, Campuchia… Tất cả các hiện vật này được liên tục sưu tầm, bổ sung qua ba đời trụ trì.
Bảo tàng được xác nhận là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên trên cả nước.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh – Trụ trì chùa Quán Thế Âm cho biết: “Mỗi bức tượng, mỗi bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật cổ, đều mang trong mình một huyền thoại, một truyền thuyết đặc trưng của tín ngưỡng đạo Phật. Và đúng với tinh thần Phật giáo, bảo tàng là không gian tôn vinh các giá trị văn hóa, hướng người xem khuyến thiện, tránh ác, từ bi hỉ xả”.
Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác nhận đây là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên trên cả nước, lá cờ Phật giáo chùa được cúng dường cho lễ hội Quán Thế Âm năm nay cũng được công nhận là Đại kỳ lớn nhất.
Một số hình ảnh chi tiết về Bảo tàng:
Tượng đức Phật và các vị tiền hiền
Du khách thập phương ngắm nhìn các bức tượng hàng trăm năm tuổi.
Bức tượng Phật Thích Ca tạc từ gỗ, có từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Tượng Phật và tượng thần Brahma.
Bộ sưu tập này gồm có hàng chục bức tượng nhỏ bằng đồng khắc họa đức Phật.
Những bức tượng cổ được sưu tầm chọn lọc qua ba đời trụ trì...
Kinh Phật được lưu giữ cẩn thận.
Hiện vật được bày trí có chủ đích, vừa trang nghiêm, vừa thẩm mỹ.
Các nghi lễ truyền thống của lễ hội thường niên Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn như: Lễ chính Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (sáng 19/2 âm lịch), Pháp đàn đại bi, lễ dâng hương tại Miếu thờ Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, Lễ Tế Xuân cầu Quốc thái - Dân an, Lễ Tế Thạch nghệ Tổ sư; các hoạt động thuyết pháp, Pháp đàn, thiền tọa, đua thuyền truyền thống… sẽ diễn ra trong 03 ngày từ 2-4/4 (tức 17-19/2 âm lịch).
Nguồn: baovephapluat.vn