Chia sẻ kinh nghiệm cùng phát huy giá trị di sản báo chí Bắc Giang
Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện có diện tích gần 1.500m2, sau 5 năm thành lập, các tài liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng đã dày dặn và hấp dẫn hơn. Bảo tàng gồm 5 nội dung trưng bày, với từng giai đoạn lịch sử rõ ràng: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh Bắc Giang tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Ngoài các tài liệu, hiện vật quý hiếm như: Tờ Gia Định báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ; Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, bảo tàng còn trưng bày rất nhiều hiện vật quý, là những trang thiết bị của người làm báo cách mạng qua các thời kỳ.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa - lãnh đạo phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm trên 30.000 tài liệu. Ngoài ra, tại đây đã tổ chức 20 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí. Đến nay, bảo tàng đã thu hút hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài; hàng nghìn lượt theo dõi trên Facebook, website của bảo tàng.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất mong nhận được những ý kiến đóng góp thật sự có ý nghĩa từ Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh Bắc Giang. Trong đó mong muốn nhận được góp ý từ việc tổ chức trưng bày hiện vật, về thông tin các khu trưng bày… giúp cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiểu hơn về lịch sử báo chí nói chung và lịch sử báo chí Bắc Giang nói riêng.
Các đại biểu dự Tọa đàm chuyên đề: Trao truyền, phát huy giá trị di sản báo chí Bắc Giang.
“Hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có nhiều tư liệu, hiện vật quý về báo chí Bắc Giang, đặc biệt là có các hiện vật của các nhà báo ở Báo Bắc Giang, Tạp chí Sông Thương, Đài Phát Thanh và Truyền Hình Bắc Giang… Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần nhỏ trong bề dày lịch sử báo chí Bắc Giang. Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa từ Hội Nhà báo Bắc Giang trong thời gian tới” - nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Xuân Chuyển, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Bắc Giang, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh Bắc Giang cho rằng, chúng tôi cảm thấy được những giá trị lớn lao từ các hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng. Đó là những giá vô cùng quý giá của quá khứ, những giá trị vô cùng vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó báo chí Bắc Giang cũng vinh dự được đóng góp một phần nhỏ bé vào niềm tự hào chung đó.
Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh Bắc Giang đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam hai cuốn sách.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, đơn vị mình để có những giải pháp phát huy giá trị di sản báo chí Bắc Giang. Theo đó, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh giao lưu, hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị nền báo chí Việt Nam và các địa phương càng trở nên cấp thiết đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều địa phương, thể hiện vai trò trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức…
Cũng tại chương trình, Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh Bắc Giang đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam hai cuốn sách gồm: “Các tác phẩm đoạt giải báo chí Thân Nhân Trung” và “Hội viên và tác phẩm” do Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang xuất bản.
Nguồn: baotangbaochi.vn/congluan.vn