Ngày 23/11, Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày, giới thiệu 4 nhóm bảo vật quốc gia Thăng Long-Hà Nội đến công chúng Thủ đô và du khách nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Tính đến nay, Chính phủ đã công nhận 12 hiện vật và nhóm
Ngày 23/11, Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày, giới thiệu 4 nhóm bảo vật quốc gia Thăng Long-Hà Nội đến công chúng Thủ đô và du khách nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Tính đến nay, Chính phủ đã công nhận 12 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia trải dài từ thời Văn hóa Đông Sơn cho đến thời Nguyễn do Hà Nội lưu giữ và bảo quản.
Trong đó, Bảo tàng Hà Nội vinh dự lưu giữ 4 bảo vật quốc gia và trưng bày trong đợt này gồm: Trống đồng Cổ Loa và bộ lưỡi cày đồng; Chuông Thanh Mai; Cây đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của nghệ nhân Đặng Huyền Thông và Long đình gốm Bát Tràng thế kỷ XVII.
Ngoài ra, Bảo tàng cũng trưng bày một số hình ảnh, mô hình của những bảo vật quốc gia khác. Cụ thể, trưng bày mô phỏng tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Thánh Ân, thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, niên đại thế kỷ XVI; hình ảnh bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, là bộ tượng Di Đà Tam Tôn sớm nhất đến nay ở Việt Nam, đạt chuẩn mực về tạo hình Phật giáo đầu thế kỷ XVII; 34 pho tượng Phật thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) ở chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất; đình Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết các nhóm bảo vật quốc gia sẽ được trưng bày qua Tết Nguyên đán 2018 để người dân và du khách có cơ hội tìm hiểu về bảo vật. Năm 2019, khi khánh thành khu trưng bày chính thức, Bảo tàng Hà Nội sẽ làm các mô hình bảo vật thu nhỏ để làm quà lưu niệm cho du khách khi đến thăm Hà Nội.
Hình ảnh các bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày:
|
Trống đồng Cổ Loa. Ảnh: Báo Thể thao văn hóa |
|
Bộ lưỡi cày đồng, bộ hiện vật thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2500 – 2000 năm, được phát hiện ngay trong lòng tòa thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Báo Thể thao văn hóa |
|
Đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của nghệ nhân Đặng Huyền Thông, một nghệ nhân tượng gốm tài hoa tiêu biểu ở thời Mạc. Ảnh: Báo Thể thao văn hóa |
|
Long đình, sản phẩm gốm Bát Tràng thế kỷ XVII.. Ảnh: Báo Thể thao văn hóa |
|
Chuông Thanh Mai có niên đại năm 798, phát hiện tại Bãi Rồng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, là 1 trong 10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam năm 2006. Ảnh: Báo Thể thao văn hóa |
Nguồn: baochinhphu.vn