Công tác bảo tàng: “Cứu tinh” scan 3D
Không nằm ngoài xu hướng chung trên thế giới, công nghệ scan 3D đã bắt đầu được hưởng ứng ở Việt Nam như một công cụ lưu trữ dữ liệu hình ảnh ưu việt và bổ trợ hoàn hảo cho các trưng bày hiện vật gốc. Nhanh và tùy biến Sau nhiều
Không nằm ngoài xu hướng chung trên thế giới, công nghệ scan 3D đã bắt đầu được hưởng ứng ở Việt Nam như một công cụ lưu trữ dữ liệu hình ảnh ưu việt và bổ trợ hoàn hảo cho các trưng bày hiện vật gốc.
Nhanh và tùy biến
Sau nhiều lần đắp silicon lên mẫu rùa hóa thạch có tuổi đời 300 năm nhằm tạo khuôn làm phiên bản phục vụ mục đích trưng bày không thành, khiến một số vùng trên thân rùa bị bong tróc, TS Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á - vô tình biết tới công nghệ scan 3D và quyết định thử phương pháp mới.
“TS Việt đến gặp tôi trong tình trạng khá tuyệt vọng bởi tiêu bản gốc của con rùa hóa thạch đặt tại Kim Bôi, Hòa Bình mà ông rất quý có nguy cơ bị hỏng. Sau khi nắm được yêu cầu của ông, chúng tôi đã tiến hành vệ sinh mẫu vật, dùng công nghệ scan 3D để số hóa, xử lý trên phần mềm để chia mẫu thành từng phần nhỏ, rồi đưa vào máy gia công CNC để cho ra phiên bản trong thời gian nhanh nhất nhưng vẫn giống mẫu rùa gốc nhất” - ông Nguyễn Văn Cương - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn 3D Master - mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi về công nghệ scan 3D.
Sự nhanh chóng và độ chính xác của công nghệ mới khiến nhà sử học phải thốt lên: “Công nghệ scan 3D và máy gia công CNC cho độ chính xác cao hơn hẳn phương pháp thủ công.” Thời gian hoàn thiện cũng nhanh hơn nhiều - chỉ khoảng bốn ngày; ngoài ra còn có thể phóng to, thu nhỏ phiên bản theo ý muốn. “Đó là chưa kể mẫu vật gốc không hề bị can thiệp” - ông Cương tỏ ra hết sức tâm đắc.
Tiêu bản rùa thật (phía xa, bên phải) và bản chế tác nhờ công nghệ scan 3D.
Ảnh: Công ty TNHH 3D Master
Một bổ trợ hoàn hảo
Câu chuyện trên không hiếm gặp trong giới làm bảo tồn, bảo tàng khi lợi ích của công nghệ scan 3D đối với công việc của họ ngày càng hiển nhiên.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong những đơn vị đi đầu ứng dụng công nghệ scan 3D để phát huy giá trị của nhóm cổ vật thể khối từ năm 2013, như: Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, trống đồng Cảnh Thịnh, thạp đồng Đào Thịnh, cây đèn Lạch Trường, tượng hai người cõng nhau thổi khèn, ấn đồng “Môn hạ sảnh ấn”, bia Võ Cạnh, mộ thuyền Việt Khê, chuông Vân Bản.
“Scan 3D cho những hình ảnh trưng bày ưu việt hơn về mặt thị giác. Người xem có thể thấy từng chi tiết của hiện vật rõ mồn một, từ nhiều góc độ. Lấy ví dụ trường hợp trống đồng Ngọc Lũ - bảo vật quốc gia số 1 của Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm, bị ôxy hóa, giờ trống trông như một cục đồng đen. Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ scan 3D để lưu hình ảnh thì mọi chi tiết trên trống đều hiện ra rõ nét đến từng chiếc lông trên mình chim công. Hay như với những phần của hiện vật trưng bày bị khuất tầm nhìn thì hình ảnh 3D cho phép người xem nhìn cận cảnh vào bất kỳ chi tiết nào họ quan tâm. Nhiều cán bộ bảo tàng còn phải thốt lên "hình ảnh scan 3D giúp họ hiểu hiện vật của mình hơn” - bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - không tiếc lời ca ngợi những ưu điểm của công nghệ mới.
“Ngoài ra, hoàn toàn có thể tái sử dụng những tư liệu số hóa phục vụ các trưng bày chuyên đề có thời hạn cho mục đích trưng bày hoặc nghiên cứu bất kỳ khi nào cần mà không nhất thiết phải tiếp xúc với hiện vật” - bà Hoan nói thêm.
TS Việt lại nhìn ra một khía cạnh ưu việt khác của công nghệ scan 3D khi ứng dụng trong hoạt động bảo tàng: “Các bảo tàng rất thích áp dụng công nghệ scan 3D, nhất là bộ phận kho, bởi nó cung cấp phương pháp quản lý cách xa hiện vật, tránh được những tiếp xúc không cần thiết có thể gây hại cho hiện vật. Những người làm quản lý như các giám đốc bảo tàng, khi nắm trong tay dữ liệu số hóa đầy đủ sẽ có thể xây dựng kế hoạch trưng bày nhanh hơn hoặc trao đổi thông tin thuận lợi hơn so với phải xuống kho kiểm đếm.”
Hiện có khá nhiều công ty tư nhân tham gia vào công việc scan 3D các kiến trúc, tượng phật, hoa văn trang trí… tại các đền, chùa như GacTech, 3D Master, Vietsoft Pro… để dùng cho nhiều mục đích như chế tạo các phiên bản với nhiều loại kích thước tùy theo yêu cầu hoặc tạo ra phiên bản mới thay thế cho phiên bản cũ đã hỏng hóc, thất lạc…
Thậm chí như Vietsoft Pro, họ có tham vọng sử dụng công nghệ 3D để số hóa dữ liệu của các di tích lịch sử văn hóa - một công nghệ mà họ tiên phong nghiên cứu tại Việt Nam.
“Điều này vô cùng có ích trong phục hồi di tích. Ví dụ, không may một ngôi chùa bị cháy, nhưng nếu nó đã được scan 3D thì dựa vào dữ liệu đó, người ta hoàn toàn có thể dựng lại ngôi chùa mới giống như nguyên bản đến từng chi tiết, màu sắc, kết cấu” - bà Hoan giải thích.
Nguồn: khoahocphattrien.vn
Tin mới
Tin cũ