Dấu ấn Việt Nam trong bảo tàng báo chí Mỹ
Bảo tàng báo chí ở Washington D.C. là nơi cho ta thấy những công việc ở hậu trường của nghề qua 5 thế kỷ. Dấu ấn Việt Nam cũng hiện diện ở nơi này, như một phần trong lịch sử báo chí thế giới. Bảo tàng báo chí nằm gần tòa nhà quốc
Bảo tàng báo chí ở Washington D.C. là nơi cho ta thấy những công việc ở hậu trường của nghề qua 5 thế kỷ. Dấu ấn Việt Nam cũng hiện diện ở nơi này, như một phần trong lịch sử báo chí thế giới.
Bảo tàng báo chí nằm gần tòa nhà quốc hội Mỹ. Bên ngoài bảo tàng, ngay cạnh cổng vào là một bảng tin lớn, đăng hình ảnh trang nhất của khoảng 80 tờ báo nước này. Phần "Trang nhất hôm nay" trong bảo tàng cho thấy các bài và ảnh trang nhất của hơn 800 tờ báo của 80 nước trên thế giới.
Hôm 2/5, khi tin tức về cái chết của Osama bin Laden loan ra, tất cả các báo đều đăng ảnh y trên trang nhất. Bảng tin "Trang nhất hôm nay" cũng là nơi các phóng viên gặp gỡ và phỏng vấn mọi người về phản ứng của họ đối với những tin tức chính trên các báo hàng đầu.
Nơi thu hút sự chú ý nhiều nhất trong bảo tàng là gian trưng bày những bức ảnh báo chí lịch sử, những bức ảnh được mô tả là "không thể nào quên".
Bức ảnh nổi tiếng thế giới về chiến tranh Việt Nam, "Cô bé napalm", là một trong số các ảnh đoạt giải Pulitzer được lưu trong bảo tàng. Các bức ảnh khác - tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan kê súng vào đầu một thường dân; và bức ảnh chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm - cũng có mặt.
Bên cạnh tấm ảnh "Em bé napalm" là chiếc máy Leica M2 của phóng viên AP Nick Ut dùng để chụp Kim Phúc và các em bé Việt Nam khác đang chạy trốn khi bom napalm dội xuống làng. "Nóng quá, cứu cháu!", dòng chữ bên cạnh ảnh ghi lại lời cô bé Phúc.
Một chiếc ô tô đầy vết thương, chiếc mũ sắt, áo chống đạn thủng lỗ chỗ, máy đánh chữ, máy ảnh và sổ tay của các phóng viên chiến trường. Góc này của bảo tàng trưng bày những hiện vật đã cùng các phóng viên tác nghiệp trong các cuộc chiến ở Bosnia, Việt Nam, Algeria, Iraq.
Bức ảnh này được chụp năm 1991. Một bà mẹ đưa đứa con nhỏ của mình qua hàng rào thép gai trên đường chạy khỏi cuộc chiến khốc liệt ở Kosovo.
"Họ đưa đứa nhỏ qua rồi lại", tác giả bức ảnh kể, "chỉ để hôn và chào nó". Cảnh tượng đứa bé tên Akim Shala 2 tuổi cho mọi người thấy số phận của những nạn nhân vô tội trong loạn lạc của cuộc chiến ở Nam Tư cũ.
Nhiều người dừng chân lâu trước "Kền kền chờ đợi", 1993. Nó mô tả một em bé Sudan đang sắp chết đói, trên đường lê đến một trạm cứu đói của chữ thập đỏ.
"Tôi thực sự, thực sự tiếc là đã không đưa đứa bé đi", phóng viên ảnh Kevin Carter từng nói. Rất nhiều người đã chỉ trích Carter, và không ai biết số phận đứa bé trong ảnh ra sao. Carter tự sát không lâu sau khi chụp bức ảnh này.
Trạm gác cao bằng tòa nhà ba tầng và một phần bức tường chia cắt đông và tây Berlin thời Chiến tranh Lạnh.
Bảo tàng cho phép người xem chạm vào một phần lịch sử thế giới, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Kể từ năm 2009, nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện tường Berlin sụp đổ, một mảnh bê tông vỡ từ bức tường được đặt riêng trên giá, để người xem chạm tay.
Một nhân viên làm việc ở đây cho biết mỗi ngày có hàng trăm, có khi hàng nghìn người, tới tham quan. Trong ảnh, một nhóm học sinh phổ thông đứng xung quanh một mảnh cột thép còn lại của toà tháp đôi WTC, sau vụ tấn công khủng bố ở New York và Washington DC ngày 11/9/2001. Phía sau cột thép là trang nhất các tờ báo Mỹ ngay sau sự kiện 11/9.
Nguồn: VnExpress.net
Tin mới
Tin cũ