Để những tờ báo bất tử...
Nhà báo Trần Kim Hoa, người hiện là Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chia sẻ: “Số phận của một tờ báo giấy rất ngắn ngủi. Nhiệm vụ của Bảo tàng Báo chí là kéo dài tuổi thọ và lưu giữ để tờ báo ấy trở thành bất tử trong sự nghiệp báo chí Việt Nam".
Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Bà Trần Kim Hoa thổ lộ: Bảo tàng Báo chí Việt Nam là ý tưởng của nhiều người, nhiều thế hệ các nhà báo. Một trong những người đầu tiên viết và đưa vấn đề này ra công luận vào năm 1986 là nhà báo Phan Quang (lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam). Ông rất tâm huyết vì đến thời điểm ấy đã hội đủ những điều kiện cần và đủ để thành lập một bảo tàng về lĩnh vực báo chí.
Hai mươi năm sau, năm 2006, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thông tin liên lạc, đã viết thư gửi Hội Nhà báo Việt Nam và có một câu hỏi: “Rất nhiều ngành đã có bảo tàng, vậy tại sao lĩnh vực báo chí lớn và quan trọng như thế lại không có bảo tàng cho riêng mình?”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan khi về hưu đã sưu tầm, thu thập được rất nhiều bài báo và tài liệu quý nhằm mục đích có thể góp chút công sức cho sự nghiệp Bảo tàng Báo chí. Tuy nhiên, do có quá nhiều khó khăn nên việc thành lập Bảo tàng Báo chí chưa thành hiện thực. Quá thất vọng, vị tiến sĩ sử học này đã cho đi những tài liệu quý ấy và đáng tiếc, việc thất lạc là điều không thể tránh khỏi.
Lịch sử Báo chí Việt Nam gắn liền với loại hình báo giấy (xuất hiện từ 1865 với ấn phẩm đầu tiên là tờ “Gia định báo”). Báo giấy rất dễ hư hỏng, đặc biệt là tại một đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Việc tìm kiếm những tờ báo đầu tiên từng xuất hiện tại nước ta là một công việc cực kỳ khó khăn, và việc bảo quản tốt những tờ báo ấy lại càng khó khăn hơn nữa. Thế nên việc thành lập một Bảo tàng Báo chí nhằm trưng bày, bảo quản những hiện vật báo chí là vô cùng cần thiết.
Sau biết bao nỗ lực và cố gắng của những người làm báo để Bảo tàng Báo chí có thể ra đời, ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, có trụ sở tại phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngay sau đó, Dự án đã nhận được 500 hiện vật biếu tặng. Đến Quý 2/2017, khi Dự án vẫn đang được triển khai, Bảo tàng vẫn chưa ra đời nhưng Ban quản lý Dự án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nỗ lực huy động không ngừng và tiếp nhận được hơn 14.000 hiện vật trong đó, theo chia sẻ của bà Trần Kim Hoa, có rất nhiều hiện vật vô giá.
Trao đổi với Báo NNVN, bà Trần Kim Hoa cho rằng: Tuy ra đời muộn nhưng Bảo tàng Báo chí Việt Nam lại may mắn khi được học hỏi rất nhiều điều từ những Bảo tàng Báo chí nổi tiếng khác trên thế giới (Thái Lan, Mỹ...). Thế nên dù có khó khăn nhưng lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam vẫn quyết tâm cho ra mắt Bảo tàng Báo chí vào ngày 16/8/2017 vừa qua.
Nhà báo Trần Kim Hoa luôn tâm niệm: “Nếu chúng ta chậm một chút thì có thể một tờ báo hoặc một tấm ảnh quý giá sẽ bị thất lạc và không thể tìm lại được. Đó thực sự là một điều vô cùng đáng tiếc”.
“Đằng sau mỗi một hiện vật là những câu chuyện về con người, số phận của những thế hệ nhà báo đi trước đã hy sinh máu xương, mồ hôi nước mắt của mình để gây dựng nên lịch sử báo chí nước nhà. Bổn phận của những người đi sau như chúng tôi là phải gìn giữ các hiện vật giá trị ấy trường tồn với thời gian”. (Nhà báo Trần Kim Hoa)
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam/Bảo tàng Báo chí