Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
06/07/2017 16:12

Giáo dục học sinh từ bảo tàng, tại sao không?

Tôi mong sao các bảo tàng vượt qua khó khăn hiện nay, được chăm chút đầu tư nhiều hơn để hỗ trợ cho hoạt động giáo dục. Học sinh tìm hiểu lịch sử qua các buổi ngoại khóa tại Bảo tàng Bến Nhà Rồng, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng Đưa học

Tôi mong sao các bảo tàng vượt qua khó khăn hiện nay, được chăm chút đầu tư nhiều hơn để hỗ trợ cho hoạt động giáo dục.

Giáo dục học sinh từ bảo tàng, tại sao không?
Học sinh tìm hiểu lịch sử qua các buổi ngoại khóa tại Bảo tàng Bến Nhà Rồng, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Đưa học sinh tham quan bảo tàng là một trong nhiều hình thức giảng dạy mang lại hiệu quả cao. Khác với sách giáo khoa nặng về câu chữ, số liệu... không gây ấn tượng sâu, hiện vật ở bảo tàng có sức thuyết phục lớn trong nhận thức của các em. Nhưng thực tế dạy học nhiều năm và qua trao đổi với đồng nghiệp, tôi thấy học sinh không hào hứng gì khi nghe thầy cô đề cập đến việc viếng thăm bảo tàng. Tổ chức một tiết học theo chuyên đề ở một bảo tàng cụ thể còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, nhất là ở tỉnh lẻ. Đầu tiên là sự hiểu biết còn hạn chế ở các em, cho rằng bảo tàng là điều gì đó xưa, cũ, khó hiểu... Ngay cả một số thầy cô vẫn có quan niệm rằng học sinh chưa đủ trình độ để tìm hiểu, học tập... khi vào bảo tàng. Việc đưa học sinh tham quan, học tập tại bảo tàng chưa phải là quy định bắt buộc về chuyên môn của ngành. Bên cạnh đó, kinh phí tổ chức, nhân sự, phối hợp giữa nhà trường và bảo tàng là những vấn đề không dễ giải quyết. Bản thân tôi khi được giao nhiệm vụ dạy bộ môn lịch sử, tôi xác định phải đưa học sinh đến bảo tàng ngoài những giờ dạy trên lớp để tăng kiến thức cho các em.
Đầu năm học, tôi giới thiệu với các em hình ảnh, bài viết về một số bảo tàng như bảo tàng địa phương, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam... Công việc này nhằm khơi gợi hứng thú về tìm hiểu nhân vật, sự kiện lịch sử thông qua viếng thăm bảo tàng... Từng ngày một, tôi giúp các em có nhận thức đúng về giá trị của bảo tàng cũng như lòng mong muốn đến bảo tàng để tận mắt ngắm nhìn hiện vật lịch sử, chân dung bậc tiền nhân, 
anh hùng liệt sĩ... Và tôi cũng vạch ra kế hoạch và cùng bàn bạc với học sinh là sẽ cố gắng cùng nhau đến một vài bảo tàng tại địa phương và ở TP.HCM, để đối chiếu và củng cố những gì đã được học trong năm. Cứ như vậy, mỗi năm một lần, thường là cuối năm học, tôi lại đưa học sinh về tham quan vài bảo tàng. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là địa điểm tôi đưa các em đến nhiều năm qua. Bảo tàng có khu hiện vật ngoài trời để người xem tự cảm nhận. Khu nhà bên trong trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Viếng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nhiều học sinh nói với tôi: Nguyên chương trình lịch sử của năm học cũng không làm chúng em say mê, mở mang đầu óc bằng một buổi đến đây. Bây giờ chúng em mới biết vì sao thầy luôn khuyến khích học sinh đến bảo tàng là vậy. Từ đây, lịch sử không còn là môn học khô khan... Niềm vui làm tôi nhớ mãi là có nhiều học sinh sau khi tham quan bảo tàng ở TP.HCM đã quyết định chọn môn học lịch sử khi thi vào trường THPT chuyên của tỉnh. Có em trở thành giáo viên dạy lịch sử cũng từ 
những chuyến đi như vậy. Tôi vẫn tiếp tục ủng hộ việc dạy học thông qua tham quan bảo tàng cho dù thời lượng và số học sinh tham gia còn khiêm tốn. Tôi nghĩ, cần có thêm những hỗ trợ để đưa học sinh đến với bảo tàng nhiều hơn vì giáo dục thông qua những hiện vật bảo tàng vẫn có sức thuyết phục lớn với các em. Và tôi mong sao các bảo tàng vượt qua khó khăn hiện nay, được chăm chút đầu tư nhiều hơn để hấp dẫn khách tham quan và hỗ trợ hoạt động giáo dục.

Giải bài toán kinh phí

Biết nhiều cổ vật do bảo tàng thiếu kinh phí để bảo quản và đưa ra cho công chúng thưởng lãm dẫn đến hư hỏng, tôi tin nhiều người sẽ rất tiếc. So với mặt bằng giá cả thị trường, giá tham quan bảo tàng hiện nay với người Việt Nam là chấp nhận được. Tuy nhiên sẽ không có gì là quá tầm tay khi mọi người có thể chung tay chia sẻ khó khăn này với các bảo tàng. Đó là có thể điều chỉnh mức giá thêm vài ngàn đồng/lượt người, chắc sẽ không gây phản ứng gì. Số tiền này tuy không lớn nhưng là cách để các bảo tàng tự cứu mình. Ai cũng than trách bảo tàng xuống cấp nhưng không giải được bài toán kinh phí thì làm sao thay đổi được tình hình?

Nguồn: tuoitre.vn

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20170622/giao-duc-hoc-sinh-tu-bao-tang-tai-sao-khong/1335648.html
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam