Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
26/05/2021 16:28

Hiện vật là bằng chứng thuyết phục nhất

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mới đưa vào hoạt động nhưng đã nhanh chóng trở thành ngôi nhà di sản của những người làm báo Việt Nam.Bà Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho rằng, phải có hiện vật thì mới kể được câu chuyện làm báo chính xác và hấp dẫn.
Nhà báo Trần Kim Hoa giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng. Ảnh: Sơn Hải.
Nhà báo Trần Kim Hoa giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng. Ảnh: Sơn Hải.

Hành trình “từ không đến có”

Gần đây tôi mới có dịp vào thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Quả thực rất bất ngờ trước cách sắp xếp, trưng bày. Lớp lang và hiện đại. Nó giúp cho mọi người có thể hiểu một cách tường tận và sâu sắc về những bước chuyển của lịch sử báo chí Việt Nam. So với nhiều bảo tàng ngành khác, thì Bảo tàng Báo chí Việt Nam “sinh sau đẻ muộn”. Với tư cách Giám đốc Bảo tàng, bà có thể chia sẻ gì về điều này?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Đúng là Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn so với các bảo tàng ngành khác sau khi chúng ta đã có tờ báo in chữ quốc ngữ đầu tiên phát hành từ hơn 150 năm trước. Tôi muốn ngược dòng thời gian để điểm lại một vài cột mốc: Ngày 15/4/1865, “Gia Định báo” - tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra mắt tại Sài Gòn, đánh dấu sự ra đời của báo chí Việt Nam. Tiếp đó, vào ngày 21/6/1925, báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) xuất bản số đầu tiên, mở đầu dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, trong suốt quá trình hình thành phát triển, báo chí Việt Nam luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngày 21/8/2014, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khoảng thời gian từ tháng 8/2014 đến tháng 7/2017 là thời kỳ ban quản lý các dự án thành phần nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, tài liệu về báo chí và bước đầu xác lập kho cơ sở, hình thành bộ máy nhân sự để đáp ứng điều kiện thành lập bảo tàng theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Đến ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Theo quyết định của Thủ tướng, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam…

Điều đó cũng đồng nghĩa những người thực hiện Đề án đã phải lường trước được những khó khăn lớn do sự chậm trễ này?

- Đúng! Khó khăn dễ hình dung nhất là sự mai một, thất lạc, vắng bóng của những tờ báo thời kì đầu, làm sao tìm lại được, có được trong tay, rồi mới nói tới việc trưng bày, giới thiệu, khai thác và phát huy giá trị di sản. Thời gian, khí hậu, chiến tranh là chuyện lớn, nhưng còn có những chuyện “nhỏ mà không nhỏ” như sự sao lãng hay thói quen đọc xong là bỏ đối với những tờ báo in đều dẫn đến hậu quả rút ngắn tuổi đời, giảm thiểu sự tồn tại của chúng. Phải chạy đua với thời gian, phải làm tất cả những gì có thể để níu kéo những bản nhật trình thời xa xưa còn sót lại đâu đó trong bộ sưu tập cá nhân hiếm hoi của ai đó để chúng không tiếp tục “lên đường”, hay những bản báo viết tay, in bằng đá, bằng thạch trong những năm đầu thế kỷ 20 không tiếp tục bị cũ nát hay bị phá hủy hoàn toàn… Nói chung, hành trình của Bảo tàng chúng tôi từ khi ra đời đến nay, ở góc độ thực tế có thể nói đó là hành trình “từ không đến có”, từ “không thể” trở thành “có thể”, vất vả và áp lực vô cùng nhưng rất vui và rất tự hào!

Nếu không trực tiếp nhìn thấy những hiện vật gắn liền với hoạt động báo chí của các thế hệ nhà báo đi trước thì khó có thể hình dung được có những nhà báo đã phải tác nghiệp trong điều kiện gian khó đến thế. Trong số những hiện vật ấy, hiện vật nào khiến bà cảm thấy xúc động nhất, hay từ hiện vật đó, giúp bà hiểu thấu đáo hơn câu chuyện của một thời?

- Không chỉ cá nhân tôi, mà rất nhiều nhà báo có tuổi, và cả những nhà báo trẻ, đều nói rằng họ thấy mình nhỏ bé trước những cống hiến lớn lao của các thế hệ nhà báo tiền bối. Những năm 1865-1925, người dân mình hầu hết không biết chữ, báo chí quốc ngữ vẫn ra đời, vẫn phát triển, bởi những nhà báo yêu nghề, làm nghề và ngẩng cao đầu kiêu hãnh với ngòi bút trong tay; nhiều người còn dám bày tỏ lòng yêu nước trước nhà cầm quyền thực dân và luật pháp đô hộ hà khắc. Có tờ báo như tờ “Le Nhà quê”, năm 1926, chỉ ra được số đầu tiên và cũng là số duy nhất thì bị đình bản, chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Khánh Toàn lập tức bị thống đốc Nam Kỳ bắt giam và xử án. Thời kỳ cách mạng, báo chí cách mạng được kiến tạo bằng niềm tin và ý chí kiên cường, sẵn sàng đánh đổi bằng xương máu và lao tù vì lý tưởng cách mạng của những cây bút xuất sắc như các lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đức Cảnh, Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp…

Nhà báo Xuân Thủy, làm báo từ năm 1930, làm báo cách mạng từ năm 1932, vào tù Hỏa Lò và Sơn La đều vẫn bí mật ra báo, chỉ nghe tên báo “Suối reo” của ông cũng đủ thấy tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí của ngòi bút ấy mạnh mẽ nhường nào!

Những năm 1945-1954, đất nước gian lao là thế, Việt Bắc rừng thiêng nước độc là thế, chúng ta vẫn mở được Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, thành lập được Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều tờ báo lớn vẫn ra đời và đến với công chúng như Nhân dân, Quân đội Nhân dân…

Thời chống Mỹ, báo chí của chúng ta đã phát triển lên một bước. Ở hậu phương miền Bắc, truyền hình ra đời dưới bom Mỹ. Ở tiền tuyến miền Nam, báo chí có mặt từ trên đỉnh Trường Sơn đến tận chiến khu Tây Ninh…

Chỉ thế thôi, đã có thể hình dung được cha ông ta đã làm báo gian khổ và vinh quang thế nào. Kể từ năm 1945 đến nay, đã có trên 500 người làm báo hi sinh vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Bức tường tưởng niệm các nhà báo - chiến sĩ đã ngã xuống, hiện đã được dựng lên tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam để bày tỏ niềm tôn kính và biết ơn, vẫn luôn được nhiều công chúng và đồng nghiệp báo chí hôm nay tìm đến…

Một số hiện vật gắn bó với các nhà báo lão thành trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình.
Một số hiện vật gắn bó với các nhà báo lão thành trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình.

Không ngồi chờ sung rụng

Tôi biết trước khi nhận làm người “đứng mũi chịu sào” ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bà cũng có thời gian dài làm báo nên hiểu thấu những vất vả, cực nhọc, thậm chí nguy hiểm của nghề báo. Nhưng khi bước vào lĩnh vực làm bảo tàng nó lại đòi hỏi những kinh nghiệm, kỹ năng khác?

- (Cười) Nhiều lúc tôi cũng tự thấy dường như số phận đã định sẵn cho tôi đi từ một phóng viên viết về văn hóa - xã hội, rồi làm phỏng vấn, điều tra, đưa tin về nghị trường đến một người làm báo nghề, tức là viết về nghề báo và người làm báo, trước khi được phân sang làm bảo tàng dù chưa được học nghiệp vụ bảo tàng một ngày nào. Tôi đã vừa học vừa làm, trưởng thành trong chính công việc mới mẻ và lạ lẫm này. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy mình đang làm bảo tàng theo kiểu một nhà báo, tức là luôn đi thẳng vào những nội dung chính, hấp dẫn, gai góc, tự mình vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Đương nhiên là nếu không có sự chỉ đạo và hỗ trợ quyết liệt của cấp trên, sự đồng lòng của các cán bộ nhân viên trong cơ quan, nếu thiếu sự quan tâm giúp đỡ của các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành, các thân nhân gia đình nhà báo, các chuyên gia và các nhà khoa học, các bảo tàng và thư viện đi trước, các đồng nghiệp báo chí tâm huyết… thì cá nhân tôi không thể vác nổi “hòn đá nặng” cho “ngôi nhà lớn” nào. Bởi thế, tôi luôn nghĩ rằng Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính là “tác phẩm báo chí lớn nhất” của các thế hệ nhà báo Việt Nam mà tôi đã may mắn được tham gia ngay từ ngày đầu cho đến giờ phút này!

Bảo tàng Báo chí Việt Nam là ngôi nhà di sản của những người làm báo, ở đó đang lưu giữ và giới thiệu hơn 30.000 hiện vật. Mỗi hiện vật đều có thể cất lên tiếng nói, kể một câu chuyện. Những câu chuyện không chỉ về người và nghề, mà qua đó vang vọng những câu chuyện của lịch sử dân tộc. Và tôi cũng biết, còn nhiều hiện vật vẫn chưa được trưng bày. Bà có thể tiết lộ một phần trong số đó?

- Hiện mới chỉ có khoảng 700 hiện vật và tư liệu được xét chọn trưng bày trong các không gian của Bảo tàng, trong đó 95% là bản gốc. Vẫn còn nhiều bộ báo chí quý các thời kỳ, đặc biệt là một số hiện vật quý chưa được đưa vào trưng bày thường xuyên. Ví như bộ sưu tập báo chí nước ngoài với hình ảnh Hồ Chủ tịch trên trang bìa, báo chí yêu nước Sài Gòn trước 1975, chiếc đài bán dẫn sử dụng để khai thác tin tức phục vụ làm báo ở chiến khu Đông Nam Bộ những năm 60 của thế kỷ trước...

Còn rất nhiều hiện vật, tư liệu quý vẫn đang chờ thời điểm thích hợp để ra mắt công chúng. Về điều này, các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng luôn đau đáu suy nghĩ. Việc có thể làm trước mắt là, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, làm sao có thể khai thác giá trị của di sản tốt nhất, phục vụ công chúng hiệu quả nhất. Chính vì thế, trước và sau khi ra đời, bảo tàng chúng tôi dù rất ít người và rất nhiều việc, vẫn liên tục tổ chức các sự kiện, các trưng bày chuyên đề, các tọa đàm khoa học được công luận, công chúng đón nhận và đánh giá cao, được báo chí trong nước quan tâm và đưa tin rộng rãi, điển hình là các cuộc gặp gỡ, tọa đàm, trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”; “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ”; “Nhà báo Trương Vĩnh Ký”; “Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động”; “Báo chí Việt Nam 1865-2020: Những ấn phẩm đầu tiên”; “Báo Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa”; “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Thủ đô Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc”…

Mới chỉ trưng bày chưa đến 1.000 hiện vật trong số hơn 30.000 hiện vật đã sưu tầm mà bảo tàng của những người làm báo đã rất hấp dẫn. Tôi nghĩ, khi cùng các cộng sự của mình đi sưu tầm những hiện vật, gặp gỡ với những nhà báo kỳ cựu của thế hệ trước, hẳn bà cũng ngộ ra được nhiều điều?

- Đúng thế! Tôi ngộ ra nhiều điều. Điều đầu tiên không thể không nói đến, đó là sự trung thực. Làm báo, sự trung thực quyết định chất lượng của tác phẩm và lòng tin của công chúng. Làm bảo tàng cũng vậy. Hiện vật là bằng chứng thuyết phục nhất, trung thực nhất. Phải có hiện vật thì mới kể được câu chuyện làm báo chính xác và hấp dẫn. Điều này khiến chúng tôi càng kiên trì và nung nấu quyết tâm, sẵn sàng đi nhiều hơn, gặp nhiều hơn, không ngại khó, không ngại khổ. Chỉ có như vậy, mới có thể có may mắn có được những cơ hội, có được những may mắn. Trong mấy năm qua, ngồi một chỗ chờ sung rụng không bao giờ là cách mà chúng tôi chọn lựa nhằm tiếp cận những mục tiêu đã đề ra!

Mới đi vào hoạt động mới gần 1 năm, và liên tục đối diện với các làn sóng Covid-19, thậm chí giãn cách xã hội. Liệu đó có phải là khó khăn lớn mà Bảo tàng đang phải đối diện?

- Sau khi ra đời và đi vào hoạt động đón khách, Bảo tàng Báo chí Việt Nam non trẻ ngay lập tức phải đối đầu với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bảo tàng vẫn được đón tiếp nhiều nhà báo, cơ quan báo chí, gia đình nhà báo, nhà nghiên cứu, sinh viên ngành Báo chí, Truyền thông, Việt Nam học, Văn học… đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Từ ngày 19/6/2020 đến nay, trong những thời điểm an toàn, Bảo tàng đã đón gần 8.000 lượt khách tham quan. Một số cơ quan báo chí lớn đã tổ chức nhiều đoàn tham quan, tổ chức sinh hoạt chi bộ ngay tại Bảo tàng…

Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi lúc này chính là làm sao đến được với công chúng nhiều hơn, được công chúng quan tâm nhiều hơn. Ngoài quyết tâm, chúng tôi đang rất cần thời gian và khả năng sáng tạo nhằm rút ngắn những quãng đường dài phía trước…

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa.

“Thơ tôi là nhật ký của đời tôi”

Những khó khăn và áp lực trong công việc của Bảo tàng vẫn không làm biến mất một nữ sĩ Trần Kim Hoa với những bài thơ da diết: “Sau những mùa lá rụng/ Thấy mình đơn sơ hơn/ Sau tháng ngày dài rộng/ Tim đau từ tốn hơn…”?

- Dù sao thì có một Trần Kim Hoa luôn có mặt “sau những mùa lá rụng” ấy để biết trân quý hơn từng hạt cát thời gian, từng con chữ đang mờ dần trên những tờ báo cũ, từng bức ảnh đang phai màu trên ngăn kéo thời gian… cũng là hơn không có chứ (Cười).

Thơ ca, trong những ngày tháng này với nhà thơ Trần Kim Hoa, có ý nghĩa như thế nào? Nó có khác nhiều với quan niệm về thơ ca trong những ngày tháng cũ?

- Luôn như thế. Ở đó. Dõi theo mình và chia với mình từng cơn ấm lạnh. Một người bạn chân thành, phần có thể ghi lại bằng chữ của con người mình! Có khác đi thì cũng là đương nhiên, khi mà dấu ấn thời gian luôn hiện hữu trên gương mặt mình và trong trái tim mình theo cách của nó.

Có giai đoạn nào bà coi thơ như những trang nhật ký của đời mình?

- Thơ tôi luôn là nhật ký của đời tôi. Tôi không viết nổi điều gì không có mình với những cảm xúc của mình trong đó.

Đọc tập thơ “Bên trời” - Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 - nhiều người chờ đợi một Trần Kim Hoa mới hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng đúng là mỗi người có một cái “tạng”, chỉ khác hơn ở sự từng trải, ở những đề tài trước chưa viết thì nay viết sâu sắc hơn, như về Hà Nội chẳng hạn. Bà có chia sẻ với suy nghĩ này?

- Tôi đồng ý với nhận xét đó. (Cười). Làm mới thơ bằng mọi giá không phải là sở trường của tôi. Mạnh mẽ không phải là giọng của thơ tôi.

Hà Nội là một đề tài lớn, và đã có rất nhiều những tác phẩm văn chương thành công, lưu lại với đời về đề tài này. Trong gần 40 năm gắn bó với Hà Nội, tôi luôn ấp ủ những cảm xúc của mình về vùng đất này, bầu trời này, những gương mặt, giọng nói, những con đường và những hàng cây… Mặc dù vậy, tôi không viết được nhiều, và luôn muốn bày tỏ theo cách của mình tình yêu mà tôi đã dành cho Hà Nội. Tập thơ “Bên trời” của tôi đã mở đầu bằng chùm thơ về Hà Nội, cũng là để bày tỏ mối tình của một người với nơi mình đã sống, đã yêu, và đang già cũ đi từng ngày…

Những giải thưởng văn chương với bà có ý nghĩa như thế nào? Nó có khi nào là mục đích?

- Câu hỏi của anh khiến tôi lại thêm một lần nữa suy nghĩ về điều vốn ít khi trở thành mối bận tâm của tôi. Vì tôi vốn không tham gia nhiều các giải thưởng văn học, nhưng lại khá may mắn khi được xét tặng một số giải thưởng về thơ như Giải của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2003-2004, Giải thơ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020… Tôi nghĩ, trong đời cầm bút của mình, được vậy là rất vui rồi.

Với tôi, giải thưởng không phải là tất cả và cũng không thay thế được sức nghĩ, sức sáng tạo, sức bền của ngòi bút trong ngôi nhà văn chương của hôm qua và hôm nay. Mai sau cũng vậy. Nếu mục tiêu của nhà văn chỉ là giải thưởng, sẽ là sự tự giới hạn đáng tiếc. Nhiều nhà văn tên tuổi, bút lực xuất sắc, bạn đọc yêu quý tác phẩm của họ, đời sống văn học chộn rộn hơn vì có sự tham dự của họ, điều đó có thể ví như những giải thưởng lớn và đáng để mong ước hơn bất cứ một giải thưởng cụ thể nào.

Tờ báo “Cứu quốc”, “Đại Đoàn kết” trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Tờ báo “Cứu quốc”, “Đại Đoàn kết” trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Việc có các giải thưởng trong đời sống văn học, là tạo ra nhiều cơ hội, giúp nhà văn có thêm động lực sáng tạo, thử sức và đo đếm tác phẩm của mình trước những hội đồng giám khảo khác nhau. Mỗi lần “lọt mắt xanh” một hội đồng giám khảo khó tính, khắt khe, công bằng, luôn đặt tiêu chí chất lượng lên trên hết, người viết tựa như được tiếp thêm năng lượng tích cực. Ngược lại, sẽ tác động không tốt đến khả năng sáng tạo và bản lĩnh của người cầm bút, gây những tác động tiêu cực lâu dài đến đời sống văn học, thậm chí xáo trộn những giá trị thực của văn chương.

Hội đồng giám khảo nào, giải thưởng ấy. Vấn đề là chất lượng chứ không phải là số lượng. Trình độ, sự nghiêm cẩn, mực thước, sự công bằng luôn có ý nghĩa tích cực thúc đẩy sự thai nghén và sinh nở của nhà văn.

Trân trọng cảm ơn bà!

Những năm 1945-1954, đất nước gian lao là thế, Việt Bắc rừng thiêng nước độc là thế, chúng ta vẫn mở được Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, thành lập được Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều tờ báo lớn vẫn ra đời và đến với công chúng như Nhân dân, Quân đội Nhân dân…

Thời chống Mỹ, báo chí của chúng ta đã phát triển lên một bước. Ở hậu phương miền Bắc, truyền hình ra đời dưới bom Mỹ. Ở tiền tuyến miền Nam, báo chí có mặt từ trên đỉnh Trường Sơn đến tận chiến khu Tây Ninh…

Chỉ thế thôi, đã có thể hình dung được cha ông ta đã làm báo gian khổ và vinh quang thế nào.

Nguồn: daidoanket.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam