Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
09/06/2017 16:34

Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam”

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hội thảo là dịp để những người làm báo tưởng nhớ, thể hiện tình cảm với nhà báo Lưu Quý Kỳ, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo tiêu biểu về thể loại bút ký chính luận trong

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Hội thảo là dịp để những người làm báo tưởng nhớ, thể hiện tình cảm với nhà báo Lưu Quý Kỳ, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo tiêu biểu về thể loại bút ký chính luận trong làng báo Việt Nam. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Lưu Quý Kỳ thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, học tập, nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam” là một hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (1925- 2017) và kỷ niệm 35 năm ngày mất của đồng chí Lưu Quý Kỳ (1/8/1982- 1/8/2017). Thông qua Hội thảo này, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn tạo điều kiện để các nhân chứng, các nhà khoa học, các đồng nghiệp… gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam; coi đây là một hình thức hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là những bước đi để góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước, chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam". Cây viết giàu "thần lực" của báo chí cách mạng

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban công tác Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Đi gần trọn cuộc đời, tôi vẫn coi Lưu Quý Kỳ là cây viết giàu “thần lực” với thể tuỳ bút. Hình như tình yêu da diết với dân, với nước, với Đảng và Bác khiến Lưu Quý Kỳ nhập lực thể loại vốn dĩ giao thoa sinh động, uyển chuyển giữa văn và báo, báo với văn để trải lòng mình bằng ngôn ngữ biểu cảm nhất. Đồng thời nhấn mạnh, đọc tùy bút của nhà văn- nhà báo Lưu Quý Kỳ, dễ dàng nhận ra ông viết bằng lương tâm, chân thành; bằng tấm lòng trung kiên, trung thực, kiên định, vững chãi, với thái độ tích cực, bản lĩnh. Tùy bút của ông giàu liên tưởng nhưng rất nhất quán về chủ đề tư tưởng, bài nào cũng găm lại những điểm nhấn. Viết tùy bút, nhưng Lưu Quý Kỳ luôn tỉnh táo, bản lĩnh, chân thành; chỉ rõ lẽ phải, điều hay. Tùy bút của ông không hề tô hồng, không dày công trau chuốt ngôn từ; mà nói bằng lòng mình, viết bằng lòng mình, bằng tâm can của mình, bằng cuộc đời từng trải đầy gian nan thử thách của mình…
Nhà báo Lưu Quý Kỳ (31/10/1919 – 1/8/1982)- Nguyên Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền miền Nam, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Ban Tuyên huấn Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chủ bút tuần báo Thống Nhất; Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ).  Ông nhận được 6 huy chương về báo chí nước ngoài, trong đó có huy chương Julius Fucik của OIJ “Nhà báo cống hiến cho hoà bình và hữu nghị”…
“Đọc ông, tôi có cảm giác, hạnh phúc của đời ông không phải là chức tước, cho dù ông có rất nhiều vai quan trọng trong bộ máy chính trị và báo chí, nhưng văn và báo luôn cho ông được giãi bày tâm đức, ý chí, việc làm, tình cảm chân thành với dân, với nước, với Đảng và Bác Hồ kính yêu, với nhân loại yêu chuộng hòa bình…”, nhà báo Nguyễn Uyển xúc động nói. Là một nhà chính trị, trách nhiệm cao với công việc được tổ chức giao nhưng văn và báo gắn bện với ông như cái nghề cái nghiệp, như phương tiện tất yếu để làm cách mạng. Bởi thế, tác phẩm nào của ông sáng tạo ra cũng đậm dấu ấn của người truyền tin từ nơi đầu nguồn sự kiện… Ông đã góp phần làm rạng danh báo chí Việt Nam. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) – người trực tiếp đi sâu nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu tổ chức buổi hội thảo này, đã không giấu được niềm xúc động và tự hào: “Nhà báo Lưu Quý Kỳ là một tấm gương sáng, một nhà báo vĩ đại, có nhiều đóng góp cả về mặt văn học và báo chí, đặc biệt là thể tài chính luận. Nhà báo Lưu Quý Kỳ với tuổi thọ là 62 tuổi nhưng đã có tới 47 năm làm báo, với gia tài đồ sộ là 27 cuốn sách và gần 3.000 bài báo… Những tham luận được trình bày ngày hôm nay cũng như được tập hợp trong kỷ yếu là những tham luận rất công phu về mặt khoa học, nhưng đồng thời cũng đầy tình cảm thể hiện lòng quý trọng, sự ngưỡng mộ, niềm tự hào và biết ơn của chúng ta đối với nhà báo Lưu Quý Kỳ”.

Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Rất nhiều nhà báo cùng thời với nhà báo Lưu Quý Kỳ: Ông Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Vĩnh Trà, nguyên trưởng ban Thư ký Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động với nhà báo Lưu Quý Kỳ, về sự sáng tạo của ông và ảnh hưởng của bài viết của ông trên cả chiến trường lẫn hậu phương, thậm chí tạo tác động dây chuyền trên cả nước lẫn nhiều quốc gia trên thế giới … "Người truyền lửa nghề" cho con Nhà báo Lưu Đình Triều, con trai của nhà báo Lưu Quý Kỳ cũng cho biết; "Năm nay là tròn 35 năm ngày mất của ba tôi. Cuộc hội thảo đề cập đến nhiều chuyện, tiếp cận nhiều tư liệu mới, hiểu sâu hơn về người cha của mình, trong đó có nhiều điều mà trước đây chúng tôi chưa hiểu hết…". Hoài niệm về người cha, người thầy, nhà báo Lưu Đình Triều nhớ lại những lời dặn dò của cha về nghề từ khi mới chập chững bước vào con đường làm báo: “Không ít lần trò chuyện về nghề, ba cứ dặn đi dặn lại, làm nhà báo  phải xông xáo, tích cực đi thực tế. Đi, quan sát, ghi nhận và khai thác thông tin. Ba không nhắc về những những chuyến đi thực tế của ông, nhưng tôi sau này biết được thời chiến tranh gian khó, hiểm nguy, ba đã hai lần đi dọc Trường Sơn. Mỗi chuyến đi đều ngót ngét trên dưới nửa năm”.

Các đại biểu và gia đình nhà báo Lưu Quý Kỳ chụp ảnh kỷ niệm sau hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, các tham luận, ý kiến đã vẽ lên chân dung một nhà báo cách mạng chân chính, có tâm hồn cao đẹp của nhà văn, nhà báo Lưu Quý Kỳ. Rõ ràng, với những đóng góp to lớn của mình nhà báo Lưu Quý Kỳ thực sự là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử hơn 65 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là một tấm gương tiêu biểu cần tuyên truyền và học tập nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nguồn: nguoilambao.vn
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam