Họp Hội đồng khoa học thẩm định Đề cương chi tiết trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Ghi nhận thêm nhiều ý kiến thiết thực, tâm huyết và giá trị
Bên cạnh đó, về việc trưng bày các chuyên đề thì Báo in cần phải được coi là xương sống của báo chí Việt Nam, mặc dù hiện nay báo in đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, cần nâng dung lượng của báo hình và báo điện tử- đây là những thể loại phản ánh được tương lai của báo chí Việt Nam. Đặc biệt, đã là Bảo tàng thì những hiện vật sưu tầm trưng bày phải là bản gốc, còn nếu không có bản gốc thì phải có hình ảnh…
TS. Phan Xuân Biên- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu ý kiến phản biện
Ở một góc độ tiếp cận khác, TS. Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, Ủy viên phản biện, nhìn nhận: Dự thảo Đề cương vẫn chưa phân biệt rạch ròi giữa hai chức năng lưu trữ và trưng bày. Bởi theo ông: “Trong danh mục các tài liệu, hiện vật đã, đang và sắp chuẩn bị, có không ít tài liệu, hiện vật chỉ nên để lưu trữ. Nói đến bảo tàng là nói đến giá trị, vì thế Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thể và cần sưu tầm, lưu trữ, bảo quản tất cả những gì liên quan đến báo chí của người Việt, nhưng chỉ nên chọn trưng bày tại bảo tàng những giá trị của báo chí Việt Nam để bảo đảm tính tiêu biểu, đại diện…” . “Trong trưng bày cũng cần chú ý hơn nữa đến đến một số báo in, tạp chí in trong dòng báo chí yêu nước và tiến bộ tại các thành thị miền Nam trước năm 1975, báo chí khu vực miền Trung. Chú ý hơn nữa báo chí của người Việt đương đại ở nước ngoài. Và khi tiếp cận, Bảo tàng Báo chí nên cân đối các yếu tố liên quan đến báo chí như vấn đề đào tạo, giao lưu, công chúng báo chí và kỹ thuật…” TS. Bùi Văn Tiếng đề xuất. Đồng quan điểm với TS. Bùi Văn Tiếng, TS. Phan Xuân Biên- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên phản biện, cũng nêu rõ: “Sài Gòn- Gia Định, TP. Hồ Chí Minh do bối cảnh lịch sử, từ lâu đã trở thành một trung tâm lớn về báo chí. Đây cũng là nơi có lực lượng cán bộ cách mạng hoạt động trong mạng lưới báo chí, nhen nhóm lên truyền thống Sài Gòn đánh giặc bằng ngòi bút, lời ca sau này. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954- 1975), Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định là nơi diễn ra hoạt động báo chí hết sức sôi nổi. Đến năm 1964, Sài Gòn có 92 tờ báo, trong đó có 51 tòa nhật báo, 37 tuần báo, …góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân”. Do vậy, TS. Phan Xuân Biên đề xuất, trong trưng bày về lịch sử ra đời và phát triển của Báo chí Việt Nam cần chú ý thỏa đáng đến sinh hoạt báo chí của Sài Gòn- TP. Hồ Chí Minh, đưa nó vào vị trí xứng đáng, để đảm bảo yếu tố thuyết phục và yêu cầu khách quan của sự phát triển…Là một nhà báo lớn, một người đã có nhiều gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của báo chí Việt Nam, đồng thời là người đã sát cánh từ những ngày đầu khi ý tưởng Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam mới nhen nhóm, nhà báo lão thành Phan Quang cho rằng, bên cạnh rất nhiều điểm, nội dung đã làm được thì bản Đề cương cũng còn rất nhiều điều còn trăn trở.
NB Phan Quang phát biểu ý kiến tại cuộc họp
Nhà báo Phan Quang gợi mở, như chuyên đề về báo chí hợp tác quốc tế, Đề cương đừng đặt nặng quá đến yếu tố hội nhập mà cần chú trọng và bổ sung vào phần giao lưu báo chí, mà tiêu biểu của quá trình giao lưu này là thời kỳ làm báo của Nguyễn Ái Quốc. Hay như các nhà báo nước ngoài sang viết bài về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã góp phần tạo nên những phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam…Vì vậy vai trò giao lưu của báo chí là rất rõ. Bên cạnh đó, nhà báo Phan Quang nhấn mạnh: về chuyên đề Vinh quang báo chí Việt Nam- điều này là cần thiết, nhưng sự vinh quang, tôn vinh thiết thực nhất đó là ghi nhận sự hy sinh của hơn 400 liệt sĩ nhà báo, chứ không phải chỉ là trưng bày những Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh… Rồi nhà báo Phan Quang cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề cần quan tâm, đầu tư kỹ thuật để lưu trữ các tài liệu, hiện vật mà mọi người đã hiến tặng cho Bảo tàng.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn- Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận TƯ phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết
Là một nhà báo đã gắn bó, tâm huyết và luôn trăn trở với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo Việt Nam từ rất lâu, đặc biệt là người đã có nhiều đóng góp công sức cho việc xây dựng Bảo tàng, GS.TS Tạ Ngọc Tấn- Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận TƯ, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra rất nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực và giá trị. Trong đó, ông nêu quan điểm, về cấu trúc không gian trưng bày cần theo tiến trình logic lịch sử, lấy phân kỳ lịch sử làm phân kỳ báo chí, bên cạnh đó cần tạo thêm các điểm nhấn để thu hút người xem, để đảm bảo sự tuần tự, nhìn rõ tổng quát từng giai đoạn lịch sử của báo chí. Còn theo phương án trưng bày biên niên kết hợp chuyên đề- tập trung về lịch sử phát triển từng loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) thì có nhiều ý kiến băn khoăn về “sự lặp lại về trình tự thời gian của từng chuyên đề”…. GS. TS Tạ Ngọc Tấn còn đề xuất, Đề cương cần hết sức tâm đến vai trò, sự đóng góp của hệ thống đài phát thanh địa phương trong dòng chảy lịch sử của báo chí Việt Nam, nhất là trong giai đoạn cách mạng. Về Hội Nhà báo Việt Nam, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, rất cần thiết đưa thành một Chuyên đề riêng, nhưng dung lượng nên ở mức vừa phải… Còn về việc bình chọn những gương mặt nhà báo tiêu biểu, theo ông, đây là vấn đề nhạy cảm, vì vậy cần phải được làm một cách thận trọng, khéo léo…
Nhà báo Dương Phước Thu- Phó Chủ tịch Thường trực HNB Thừa Thiên Huế phát biểu ý kiến nhận xét.
Nhà báo Dương Phước Thu- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam thì cho rằng: Có một dòng báo chí (chủ yếu là báo viết tay) của những người hoạt động cộng sản, yêu nước bị giam cầm ở trong các nhà tù của thực dân Pháp, sau này là nhà tù của Mỹ ngụy cũng cần sưu tập đưa vào Bảo tàng. Đồng thời, nhà báo Dương Phước Thu đề xuất, nên đưa vào Bảo tàng tất cả các công trình (thành sách hoặc dưới dạng luận văn, luận án) nghiên cứu viết về báo chí. Đề nghị 63 Hội Nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí đã xuất bản công trình lịch sử báo chí gửi về Bảo tàng Báo chí Việt Nam ít nhất là một bản. Bởi thông qua các công trình lịch sử báo chí này chúng ta sẽ tìm ra được nhiều tờ báo của địa phương, của vùng hay xứ, thậm chí là báo chí của TƯ đã thất lạc lâu nay… làm cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam thật sự phong phú, vừa giống chức năng của thư viện lại làm tròn chức năng bảo tàng, có thể nói là một Bảo tàng Báo chí theo lối mới. Còn Th.S Phạm Đình Lân- Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí & Truyền thông (Trường Đạo học KHXH & NV, Đại học QGHN) thì bày tỏ: Quá trình trưng bày theo chiều dài 151 năm của báo chí Việt Nam (1865- nay) với nhiều loại hình khác nhau, cần tạo nên một số điểm nhấn để thu hút người xem; Nên cần có một chuyên đề về báo chí địa phương; Và tăng cường hơn nữa phục dựng các bối cảnh hoạt động báo chí. Chính các điểm nhấn không những được giới thiệu mà được phục dựng làm cho hiện vật, tư liệu hiện thực hơn… Tại cuộc họp này, thông qua các ý kiến phân tích, lý giải với tính khoa học cao, các đồng chí trong Hội đồng khoa học về cơ bản đã thống nhất chọn về cấu trúc không gian trưng bày theo tiến trình logic lịch sử. Bên cạnh đó, với quá nhiều việc phải làm ở phía trước, lộ trình thời gian để Bảo tàng ra mắt công chúng không thể vội vàng, đốt cháy giai đoạn được. Và dù còn nhiều băn khoăn, lo lắng nhưng Hội đồng khoa học về cơ bản thống nhất dự kiến lựa chọn thời điểm 21/6/2017 phấn đấu để Bảo tàng sớm ra mắt công chúng. Kết luận cuộc họp, thay mặt Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Mai Đức Lộc đã cảm ơn, ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu của các đồng chí trong Hội đồng khoa học vào việc xây dựng và chỉnh sửa dự thảo Đề cương Chi tiết trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. TS. Mai Đức Lộc nhấn mạnh: Các ý kiến quý báu này sẽ được Hội đồng tiếp thu đầy đủ để chỉnh sửa một cách nghiêm túc, triệt để và nhanh nhất- đây chính là cơ sở có tính pháp lý quan trọng để Hội đồng tham mưu cho Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Báo cáo đề cương chi tiết trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam, góp phần quan trọng để Đề án sẽ sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động.Bài, ảnh: Ngọc Lành