Khai mạc triển lãm “Báo chí Việt Nam – một thế kỷ đề tài nữ - Tác giả nữ”
Triển lãm “Báo chí Việt Nam - Một thế kỉ đề tài nữ - tác giả nữ” đã khai mạc chiều 6.3 tại Hội Nhà báo Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội), đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, kỷ niệm 1077 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc
Triển lãm “Báo chí Việt Nam - Một thế kỉ đề tài nữ - tác giả nữ” đã khai mạc chiều 6.3 tại Hội Nhà báo Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội), đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, kỷ niệm 1077 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Đại hội Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XII.
Triển lãm trưng bày trên 100 hình ảnh, tư liệu và 200 đầu báo giới thiệu phụ nữ tham gia làm báo và đề tài phụ nữ trên các báo. Ngoài mục đích giới thiệu một phần lịch sử Báo chí Việt Nam, đặc biệt là báo chí cách mạng, góp phần làm phong phú thêm các nội dung hoạt động của Hội báo Toàn quốc 2017, triển lãm còn nhằm tôn vinh đóng góp, thành tựu của phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ nhà báo nói riêng đối với đất nước, trong đó có sự nghiệp báo chí.
Triển lãm tập trung khai thác trong 3 giai đoạn với 3 biểu tượng trung tâm. Giai đoạn trước năm 1945 lấy biểu tượng trung tâm là “Tượng gốm chân dung nhà báo Sương Nguyệt Anh - chủ bút tờ Nữ giới chung (1917 -1918)”. Giai đoạn này cho thấy được sự thay đổi về nhận thức, phụ nữ ý thức được vị trí của mình trong gia đình và sứ mệnh của mình trong kiến tạo xã hội. Bắt đầu có những bài viết rải rác trên tờ báo tiếng Việt đầu tiên, đến tờ báo phụ nữ đầu tiên được xuất bản do phụ nữ làm chủ bút vào năm 1918. Nhiều đề tài nữ cũng được thể hiện trên báo chí giai đoạn này như: Nữ công, nữ học, thuần phong mỹ tục...
Tượng chân dung bà Sương Nguyệt Anh - nữ Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo nữ đầu tiên (tờ Nữ giới chung) cùng nhiều tờ báo khác trong giai đoạn 1930 - 1945. |
Không chỉ giỏi về nội trợ, hậu phương, phụ nữ trong thời kì 1945-1975 còn được biết đến là lực lượng xung kích trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như chính trị, ngoại giao, báo chí... trở thành chủ đề, nhân vật nổi bật của các tờ báo hằng ngày trong nước và quốc tế. Vì thế mà “Hình ảnh nữ nhà báo chiến trường” được xem là biểu tượng trung tâm cho giai đoạn này. Đó là những nữ anh hùng, chính trị gia như bà Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch, mẹ Thứ... và những nữ nhà báo tiêu biểu như Nguyễn Khoa Bội Lan, Hoàng Ngân, Lý Thị Trung...
Triển lãm còn vinh danh “Chân dung một số nữ nhà báo thời kỳ đổi mới, hội nhập” - biểu tượng trung tâm cho giai đoạn từ 1975 đến nay. Họ là những bóng hồng có mặt trên mỗi bản tin thời sự, mỗi tờ báo, mỗi chương trình phát thanh truyền hình, những nữ tri thức, nữ doanh nhân... Những cống hiến của họ góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước, đắp xây hòa bình, tiếp lửa tình yêu nghề nghiệp và tình yêu cuộc sống, bất chấp mọi khó khăn thử thách...
Nhà báo Hồ Quang Lợi (giữa), Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại triển lãm.
Hiện tại, đội ngũ các nữ nhà báo đang làm việc, cống hiện tại các vị trí, công việc khác nhau trong các cơ quan báo chí cũng như cơ quan quản lý, in ấn, xuất bản, phát hành quảng cáo... rất đông đảo, chiếm tỷ lệ khoảng trên 50% lực lượng làm báo trong cả nước.
Ban tổ chức cho biết thêm, Triển lãm “Báo chí Việt Nam - Một thế kỉ đề tài nữ - tác giả nữ” là hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện của Hội báo toàn quốc 2017 diễn ra cùng địa điểm từ 17-19.3.2017.
Tin mới
Tin cũ