Ký ức về 3 bài báo "người tốt, việc tốt" được Bác Hồ đọc
Trong buổi “Lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng báo chí Việt Nam” chiều 18/3/2017, trong số những hiện vật của tôi hiến tặng có ba bài báo viết về 3 tấm gương “người tốt việc tốt” đăng trên báo Thủ Đô Hà Nội (nay là báo Hà Nội mới) đầu năm 1966 được Bác Hồ đọc và thưởng huy hiệu của Người cho các nhân vật trong những bài báo ấy.
Toàn bộ trang 4 báo Thủ Đô Hà Nội ngày 23/4/1966.
Số là… những năm 60 của thế kỷ trước, nhà máy ô tô 1/5 ở số 18 Phố Phan Chu Trinh, Hà Nội (hiện nay là trụ sở của Bộ Tài chính), là một đơn vị nổi tiếng về “Giải phóng xe nhanh vì miền Nam ruột thịt”.
Đây cũng là đơn vị dẫn đầu về phong trào học bổ túc văn hóa của ngành giáo dục Thủ đô. Một đơn vị “Chăm làm ham học” của Cục Cơ khí, Bộ Giao thông Vận tải được các báo thường xuyên tuyên truyền. Và đặc biệt là được Hồ Chủ tịch đến thăm ngày 19/12/1963.
Phát huy nghề nghiệp Tuyên huấn, thời gian này, tôi hay viết tin, bài cho các báo như: Nhân Dân, Thủ đô Hà Nội, Lao Động, Phụ nữ Việt Nam, Giao thông Vận tải…
Sau Tết năm 1966, Ban biên tập Báo Thủ đô Hà Nội có nhờ tôi viết bài chung về thành tích “Chăm làm ham học” ấy và các điển hình trong phong trào Bổ túc văn hóa. Tòa soạn dành trọn cho cả trang 4 để nói về nhà máy ô tô 1/5.
Công văn của Phủ Chủ tịch.
Sau khi viết xong bài giới thiệu thành tích chung của nhà máy, tôi đến các phân xưởng để tìm hiểu những điển hình đã kết hợp được công việc sản xuất và học tập.
Tôi chọn bác Võ Chiến Thắng, 45 tuổi, thợ nhiệt luyện và chị Trần Thị Bé, 24 tuổi, thợ tiện để viết.
Muốn cho phong phú trang báo, tôi quyết định viết thành truyện tranh minh họa bằng thơ Lục bát (6/8) về tấm gương chị Trần Thị Bé. Tôi nhờ anh Nguyễn Y là thợ máy có năng khiếu vẽ tranh thể hiện những tranh truyện cùng với các đoạn thơ của tôi.
Hoàn thành cả trang báo xong tôi đưa đến Tòa soạn. Các anh chị ở Báo Thủ đô Hà Nội rất ưng ý. Tuy nhiên, về truyện thơ bằng tranh “Tên Bé chí lớn” anh Nguyễn Y vẽ còn “nghiệp dư” nên Tòa soạn giao cho họa sĩ Lê Văn Hiệp (người của Báo) chỉnh sửa lại cho đẹp hơn về hình vẽ.
Riêng bài “Bác Thắng học giỏi”, tòa soạn muốn tôi đổi tên tác giả, tôi liền lấy tên vợ (Nguyên Đào) thay vào.
Trong niềm vui chung của nhà máy, có niềm vui riêng, bởi Tòa soạn như đúng hẹn đã dành cả trang 4 Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 23/4/1966 viết về nhà máy và các gương điển hình người thợ.
Trước đó, trên số báo Thủ đô Hà Nội ra ngày 15/2/1966, tôi cũng có viết một bài “Đôi vợ chồng tận tụy” nói về ông Trần Thiện Liêm (phòng Kỹ thuật) và bà Nguyễn Thị Qùy (phòng Hành chính) đã hết lòng vì công việc chung, không quản khó khăn vất vả và đạt được danh hiệu tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” của nhà máy.
Tác giả gặp lại bà Trần Thị Bé sau 50 năm (Ảnh chụp năm 2016)
Ngày 15/5/1966, tôi nhận được tin từ Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội báo tin “… Đọc báo Thủ đô Hà Nội thấy tin chị Trần Thị Bé 24 tuổi, thợ tiện nhà máy ô tô 1/5 đã có thành tích sản xuất và học tập - Hồ Chủ tịch chỉ thị cho chúng tôi gửi tặng chị Trần Thị Bé huy hiệu của Người…” (Ông Liêm, Bà Qùy và ông Thắng cũng có nội dung công văn tương tự của Văn Phòng Phủ chủ tịch do ông Cù Văn Chước ký).
Vinh dự biết bao, khi 3 bài báo của tôi đã được Hồ Chủ Tịch quan tâm. Tôi thật sự vui lây cùng ông Liêm bà Qùy, ông Thắng, chị Bé. Chính thành tích của họ mới cho tôi viết được những bài báo ấy.…(Trong số báo “Hà Nội Mới” ra ngày 24/10/1992 có bài “Bác Hồ với Báo Hà Nội Mới” của Phan Hữu Tích đã nhắc lại tấm gương “Đôi vợ chồng tận tụy” nói về ông Liêm, bà Quỳ ở nhà máy ô tô 1/5 năm 1966 được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người).
Hai Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi và Mai Đức Lộc trao giấy chứng nhận cho nhạc sĩ Dân Huyền - người hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Niềm vui trên “báo giấy” đã theo tôi về với “báo nói” - Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua.
Hình ảnh của Bác Hồ kính yêu, đôi mắt hiền dịu của Người đã giúp tôi tạo nên các tác phẩm âm nhạc như: Bên Lăng Bác Hồ, Bác để tình thương cho chúng con, Khóm trúc Bác Hồ, Kim Liên - Xim Biếc, Hạt giống đỏ nảy mầm Xuân, Lắng tiếng quê hương, Người Đảng viên số 1, Nhớ lời di chúc theo chân Bác Hồ, Nhớ hội Làng Sen, Cung đàn tuổi xanh… Đồng thời không quên viết một số bài báo giới thiệu các tác giả, tác phẩm, các nghệ sĩ về văn học nghệ thuật.
Xin được nói thêm rằng, đầu những năm 60, tôi đều ký tên dưới mỗi bài báo là "Giân Huyền", nhưng khi đọc các bài báo và giới thiệu các bài hát của tôi trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì phát thanh viên nghĩ là chữ "Giản", nên đã đọc là "Giản Huyền". Do vậy, mà từ đó sửa lại cho đúng là "Dân Huyền".
Có lẽ do tôi cẩn thận, quá giữ ý, nên hơn 50 năm qua tôi không liên lạc với những người mà tôi đã viết trong ba bài báo ấy.
Năm 2016, tôi mới liên hệ được với chị Trần Thị Bé (nay đã 75 tuổi) ở phòng 202, nhà C1, khu tập thể số 34 A, Trần Phú, Hà Nội).
Bà vẫn khỏe và đưa cho tôi xem lại bài báo tôi viết, huy hiệu của Hồ Chủ Tịch tặng và Công văn của Văn phòng phủ Chủ tịch, do ông Cù Văn Chước ký ngày 2/5/1966.
Qua bà Bé tôi mới hay tin ông Thắng, ông Liêm, bà Qùy không còn nữa. Nửa thế kỷ mới gặp lại nhau cứ xen lẫn vui, buồn.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” (11/6) và ngày Nhà Báo Việt Nam (21/6), tôi xin cảm ơn Tòa soạn báo Thủ đô Hà Nội (nay là báo Hà Nội mới) đã tạo thuận lợi cho tôi có được những bài báo về “Người tốt việc tốt” mà Hồ Chủ tịch đã đọc và thưởng huy hiệu của Người cho các cá nhân trong 3 bài báo.
Niềm vui ấy, vinh dự ấy thuộc về toà soạn Báo mà tôi chỉ là người góp phần thực hiện.
Nguồn: vov.vn