Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
21/06/2021 14:56

Lưu giữ lịch sử qua từng trang báo

Mỗi ấn bản báo chí hay những hiện vật quý được trưng bày, sắp đặt sinh động, trang trọng tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã mang lại cho người xem bức tranh khái quát về toàn cảnh nền báo chí cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn từ khi hình thành, phát triển đầy tự hào.

Ngay từ khi bước chân vào không gian của bảo tàng, người xem như bị cuốn theo vòng thời gian của lịch sử. Từng hiện vật, mỗi bài báo, phương tiện tác nghiệp… trưng bày ở đây như làm sống lại từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Mỗi hình ảnh đen trắng, từng trang giấy báo đã ngả màu đều là một câu chuyện kể về người làm báo, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, thậm chí là máu của những con người từng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cầm bút.

Lưu giữ lịch sử qua từng trang báo
Không gian được thiết kế hợp lý, du khách có thể dễ dàng tham quan và tìm hiểu

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam - cho biết, để có thể sắp đặt không gian rộng 1.500 m2, hai tầng trưng bày hàng nghìn tư liệu, hiện vật quý, đơn vị đã trải qua hơn 1.000 ngày triển khai các dự án thành phần, tiến hành sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, trong đó có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam. Nội dung trưng bày bao gồm năm phần, về báo chí Việt Nam qua các giai đoạn: 1865 - 1925; 1925 - 1945; 1945 - 1954; 1954 - 1975 và từ năm 1975 đến nay.


Trước xu hướng làm bảo tàng hiện đại với công nghệ thông minh, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nỗ lực đổi mới cách trưng bày, tạo sự hấp dẫn và quan tâm của cộng đồng. Công nghệ thông minh được đưa vào hoạt động, ưu tiên các hạng mục như: Đồ họa, làm phim, số hóa các thông tin, tư liệu, hiện vật không chỉ đơn thuần được trưng bày trên giá, kệ… Theo đó, ngoài trưng bày trên vách bằng đồ họa các tư liệu, bảo tàng còn trưng bày trên tủ như bình thường với hệ thống màn hình chiếu phim. Bảo tàng đã xây dựng 26 bộ phim về tiến trình lịch sử báo chí, các nhà báo cách mạng. Đặc biệt, hệ thống màn hình tra cứu số hóa trải dài tại không gian trưng bày, có phòng tra cứu cho người muốn tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc.
 

Lưu giữ lịch sử qua từng trang báo
Trưng bày báo chí Việt Nam thời kỳ đầu, giai đoạn 1865 -1925

Các hệ thống màn hình điện tử được tích hợp những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến sự phát triển nền báo chí Việt Nam. Bà Hoa hy vọng, đây sẽ là giảng đường thứ hai cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu - họ có thể đến tra cứu, tìm kiếm thông tin về hoạt động báo chí. Ngay từ khi ra mắt, bảo tàng đã ký kết biên bản làm việc với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí và Tuyên truyền để các trung tâm đào tạo báo chí lớn này sẽ thường xuyên đưa sinh viên đến bảo tàng học tập, nghiên cứu. Thời gian tới, bảo tàng sẽ hoàn thiện hệ thống thuyết minh tự động, tăng cường quảng bá để nơi đây không chỉ là nơi lui tới thường xuyên của những người làm báo, mà còn hướng tới là điểm đến du lịch hấp dẫn của Hà Nội.Với những nỗ lực đó, những người làm bảo tàng mong muốn không chỉ các nhà báo, mà kể cả những người không cùng nghề, cũng quan tâm và đến với bảo tàng. Thực tế, những người quan tâm đến lịch sử, con người Việt Nam sẽ quan tâm đến lịch sử báo chí, bởi những câu chuyện của báo chí gắn liền với lịch sử qua các thời kỳ. Bởi vậy, khi trưng bày, các hiện vật phải gắn liền với các câu chuyện mới có giá trị, sức hấp dẫn. “Hy vọng, những thông điệp tư liệu từ bảo tàng có thể tự nói lên được câu chuyện, ý nghĩa của nó, hạn chế sự dẫn dắt của thuyết minh viên”- Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh.

Lưu giữ lịch sử qua từng trang báo
Những dấu mốc đầu tiên về lịch sử hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam
Chia sẻ về lần đầu được đến tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Nguyễn Thanh Huyền - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - có ấn tượng mạnh với không gian trưng bày tại đây, mỗi một giai đoạn lịch sử của báo chí Việt Nam đều được tái hiện lại sinh động, cách trưng bày mới lạ. Ở đây, sinh viên có thể được tận mắt nhìn thấy ấn phẩm của Gia Định báo, tìm hiểu về sự ra đời của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên này bằng công nghệ trực tiếp tại bảo tàng. Hay, tìm hiểu tờ báo kinh tế đầu tiên Nông Cổ Mín Đàm; tận mắt nhìn thấy bản gốc của tờ báo Đăng Cổ Tùng Báo, Lục Tỉnh Tân Văn... được bảo tàng sưu tầm tại đây. Điều này thực sự hữu ích!

Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, những hiện vật một thời tác nghiệp của các nhà báo tưởng chừng đã chìm khuất vào quá khứ, bỗng hiện về lung linh trong mỗi ký ức của lịch sử. Bà Trần Thị Kim Hoa nhấn mạnh, số phận của một sản phẩm báo chí thường rất ngắn ngủi. Nhiệm vụ của Bảo tàng Báo chí là kéo dài tuổi thọ và lưu giữ để tờ báo ấy trở thành bất tử trong sự nghiệp báo chí Việt Nam. Không ai và không điều gì có thể bị lãng quên, nhất là đối với lực lượng báo chí cách mạng được coi là những chứng nhân, những thư ký của thời đại lịch sử mà dân tộc Việt Nam vừa trải qua hào hùng nhất.

 

Nguồn: congthuong.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam