Nghệ thuật bích họa: Cơ hội để di sản sống động hơn
Tại Việt Nam, đến nay đã có làng bích họa Tam Thanh (tỉnh Quảng Nam) được du khách biết tới và trong tháng 11/2017, Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) sẽ hoàn thành, hứa hẹn điểm đến của du khách, là không gian văn hóa thời đại mới của Thủ đô...
Ấn tượng từ thế giới
Thực tế, việc thực hiện các bích họa, tranh tường đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đem lại nhiều dấu ấn, sự mới lạ, độc đáo, thay đổi mạnh mẽ cho nơi đó. Tại khu phố cổ George Town (Malaysia) đã được UNESCO công nhận di sản, từ lâu du khách đến nơi đây như một bảo tàng hoạt họa ngoài trời, với những bức bích họa được chia thành nhiều hạng mục sáng tác riêng. Bộ tranh 101 Lost Kittens tại đây như khuấy động nhận thức của cộng đồng đối với động vật đi lạc, những bức tường 3D mang đề tài đời sống thường nhật có ý nghĩa vinh danh những người con bản địa. Hoặc trong những con hẻm nhỏ phố George Town, các bích họa độc đáo truyền đi thông điệp người dân hãy chung tay cứu một số bộ môn nghệ thuật truyền thống Malaysia đang dần mai một.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia phát triển mạnh về tranh tường, bích họa đường phố. Tại làng Dongpirang phía Nam tỉnh Gyeongsang hơn 10 năm nay trở nên rực rỡ màu sắc. Trên các bức tường, lối đi, cầu thang tại đây đều được trang trí bằng các bức tranh truyện, nhân vật thần tiên. Những tác phẩm tranh tường ở làng Dongpirang do người dân địa phương và các họa sĩ cùng nhau vẽ lên và nhờ đó đến nay, làng Dongpirang trở thành một địa danh du lịch không thể bỏ lỡ khi du khách đến với xứ sở kim chi.
Cũng tại Hàn Quốc, làng Gamcheon (TP. Busan) từng là ngôi làng nghèo từ thời chiến và từng được xem là khu nhà ổ chuột trên đỉnh núi, nhưng nhờ dự án nghệ thuật tranh tường của sinh viên trong năm 2016 mà khoảng 300 căn nhà nơi đây đã trở thành tác phẩm nghệ thuật để cải thiện đời sống người dân. Khi du khách đến với Gamcheon sẽ choáng ngợp và thích thú vì vẻ đẹp mang tính nghệ thuật và giàu lịch sử. Mỗi lối đi lại tại làng Gamcheon dẫn tới một bất ngờ khác biệt, từ các bức điêu khắc chim muông cho đến những nhân vật truyện, tiểu thuyết nổi tiếng trên thế giới. Nhiều vị khách ấn tượng bởi những chậu hoa cảnh được tạo hình giống đôi chân của con người.
Các nghệ sĩ hiện đã thực hiện một số tác phẩm bích họa trên mặt vòm cầu phố Phùng Hưng, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2017.
Hứa hẹn từ bích họa tại Việt Nam
Đến nay tại Việt Nam, Tam Thanh (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) là làng bích họa đầu tiên của cả nước. Vốn là một làng chài nghèo, sau khi trở thành làng bích họa, Tam Thanh “lột xác” bởi là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Tam Kỳ. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh sinh động khắc họa cuộc sống thường nhật của người dân ven biển do các họa sĩ Hàn Quốc thể hiện trên bức tường của hơn 100 ngôi nhà. Hàng rào và lối đi được trang trí bằng những hình vẽ, họa tiết với màu sắc rực rỡ. Từng con đường nhỏ dẫn ra biển bỗng trở nên thơ mộng. Vì thế, cuộc sống của người dân nơi đây dường như trở nên nhẹ nhàng, thư thái hơn, khác hẳn gam màu trầm lam lũ của làng chài ven biển trước kia.
Không chỉ có Tam Thanh là làng bích họa, Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” (Hà Nội) do Chương trình Định cư Con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) thực hiện trên mặt vòm cầu phía Đông sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2017. Theo đó, 127/131 mặt vòm phố Phùng Hưng sẽ được triển khai thực hiện bích họa, chia thành 3 giai đoạn.
TS. Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat cho biết, Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” (giai đoạn 1) bao gồm 19 tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó các nghệ sĩ sẽ thể hiện tác phẩm phản ánh đời sống sinh hoạt đặc trưng của người dân cũng như lịch sử, văn hóa Hà Nội. Các nghệ sĩ Hàn Quốc thực hiện 8 tác phẩm trên các vòm tại phố Phùng Hưng như: Biểu tượng Hồ Gươm, Ký ức một thời, Phố Phùng Hưng với những gánh hàng hoa, Hoàn Kiếm - đổi mới; Phong cảnh Seoul...
Trong khi đó, các nghệ sĩ Việt Nam gồm Triệu Minh Hải, Lê Giang, Cấn Văn Ân, Nguyễn Trí Mạnh, Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Thông Minh Hải sẽ đem đến 10 tác phẩm đặc sắc, biến vòm cầu Phùng Hưng thành sân khấu rối trúc và khán giả có thể tham gia trò chơi; hoặc biến vòm cầu thành bảo tàng nho nhỏ về lịch sử cầu Long Biên. Bên cạnh đó, có nghệ sĩ sẽ làm bức tranh giả lập bức tường vòm cầu với con đường xuyên qua như chưa hề bị bịt kín hoặc gợi mô hình máy nước công cộng thời bao cấp, lồng ghép bối ảnh phố cổ đen trắng tương tác với con người đời sống hiện đại.
Theo các nghệ sĩ thực hiện Dự án “Bức họa trên phố Phùng Hưng”, các tác phẩm đều hướng tới mục đích truyền tải thông điệp về Hà Nội nghìn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay, song vẫn luôn gìn giữ những truyền thống và tinh hoa văn hóa để ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đây là không gian công cộng tạo ra sự tương tác giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy đối thoại, hòa nhập và tạo điểm nhấn văn hóa để thu hút du khách, góp phần thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển hơn nữa.Nguồn: suckhoedoisong.vn