Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
22/06/2017 13:17

Ngôi nhà ký ức của báo chí nước nhà

Dự kiến trong những ngày tới, Hội Nhà báo Việt Nam  công bố quyết định chính thức thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Trưởng Ban Quản lý các dự
Dự kiến trong những ngày tới, Hội Nhà báo Việt Nam  công bố quyết định chính thức thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Trưởng Ban Quản lý các dự án thành phần Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam về quyết định quan trọng này. - PV: Thưa chị, chị có thể chia sẻ về kế hoạch thành lập bảo tàng báo chí Việt Nam đến thời điểm hiện tại?
ngoi nha ky uc cua bao chi nuoc nha
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa: Để tái hiện được lịch sử báo chí - một phần lịch sử vẻ vang của dân tộc, niềm tự hào cho thế hệ mai sau, nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam đã ấp ủ về một Bảo tàng – Ngôi nhà ký ức của báo chí nước nhà. Nhưng phải đến cuối năm 2014, đề án này mới hoàn thành và chính thức được Thủ tướng phê duyệt. Ý tưởng này, có người muốn gọi là “Bảo tàng báo chí Cách mạng Việt Nam”, có người thích dùng cụm từ “Bảo tàng báo chí Việt Nam”. Tên gọi có thể khác nhau, nhưng các khoá BCH Hội Nhà báo Việt Nam đều thống nhất rằng đây không phải là “nhà truyền thống” hoặc “nhà lưu niệm”, mà là một bảo tàng đúng nghĩa. Ý thức được ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đặc biệt từ khi Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 21/8/2014), Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về địa điểm, nhân sự và bước đầu đã khai thác, tiếp cận các hiện vật, tài liệu…Ngày 10/3/2017 vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có công văn xác nhận Bảo tàng Báo chí Việt Nam đủ tiêu chuẩn thành lập theo luật định. Đồng chí Thuận Hữu– Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký tờ trình và gửi hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định thành lập Bảo tàng. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 3 cuộc triển lãm báo chí : Nhà báo Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh (tháng 5/2015), Báo chí dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng (tháng 3/2016, tại Hội Báo Toàn quốc 2016), “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ” (tháng 3/2017, tại Hội Báo Toàn quốc 2017). Đặc biệt, tổ chức được 6 Lễ phát động hiến tặng hiện vật, tài liệu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, miền Trung và Tây Nguyên. Tổng hiện vật mà chúng tôi đã tiếp nhận được tính đến thời điểm này đã gần 1,4 vạn hiện vật. Một con số đáng tự hào. - Là một nhà báo nhưng lại quyết tâm làm bảo tàng, chị đã gặp những khó khăn gì? Thú thật, khi được giao làm bảo tàng tôi cũng phải suy nghĩ nhiều lắm. Từ trước đến nay đã quen làm báo, nay chuyển sang làm Bảo tàng thì phải học hỏi rất nhiều. Công việc của người làm báo thường bắt đầu bằng những đề tài, còn đối với những người làm bảo tàng thì phía trước không phải lúc nào cũng có những đề tài cụ thể. Những thành tựu của lao động sáng tạo báo chí để lại lớn bao nhiêu thì đòi hỏi càng cao đối với công việc nhận diện, khai thác và phát huy những thành tựu ấy. Với bề dày lịch sử của báo chí nước nhà, công việc mà chúng tôi đảm đương như một quả núi sừng sững. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm, càng dấn thân tìm hiểu về những tư liệu, hiện vật và câu chuyện đằng sau nó khiến tôi càng ham mê và nỗ lực hơn nữa. Khó khăn thì không chỉ riêng tôi mà với tất cả mọi người trong dự án này. Chưa đầy chục người, lãnh đạo ban là hai nhà báo tay ngang sang làm bảo tàng, cán bộ chuyên môn hầu hết non trẻ.
ngoi nha ky uc cua bao chi nuoc nha
Ảnh chụp Bản tuyên ngôn năm 1929
Tôi nhớ nhất có lần làm lễ hiến tặng ở khu vực Miền Trung- Tây Nguyên, khu vực này trải dài 19 tỉnh, điều kiện đi lại không mấy thuận tiện trong bối cảnh người ít khiến chúng tôi rất lo lắng. Thế nhưng vỏn vẹn trong một tuần lễ, 8 người chúng tôi chia nhau làm 3 mũi đi Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đà Lạt. Đường dài lại rất khó đi bởi đèo dốc, say xe, những bữa cơm trưa bắt đầu lúc 1 giờ chiều và cơm tối sau 9 giờ đêm là chuyện không tránh khỏi nhưng hễ cứ có thêm hiện vật mới là cảm giác mệt nhọc lại tan biến. Chưa hết, nhóm nào đêm về cũng phải bớt thời gian ngủ nghỉ để phân loại, viết thuyết minh, lập hồ sơ cho từng hiện vật... Kết thúc chuyến công tác, 4000 hiện vật tài liệu đã được sưu tầm. - Chị có thể chia sẻ về một kỷ vật đã để lại trong chị ấn tượng sâu sắc trong quá trình sưu tầm? Để lại ấn tượng về hiện vật sưu tầm với tôi là Bản tuyên ngôn của các đại biểu đã thoát ly hội tịch ở đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của hội Việt Nam thanh niên cách mệnh (tức là Việt Nam Cách mệnh đồng chí Hội) ngày 01/6/1929 in li tô (in trên đá) với kích thước 21,5 x 31,5 (cm) do nhà báo Hồng Chương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản lưu giữ tại gia đình. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội họp ở Hồng Kông và sự phân liệt của tổ chức này. Sau hội nghị trù bị ngày 23/11929, Đại hội toàn quốc được triệu tập với sự tham gia của đại biểu Tổng bộ 3 kỳ, đại biểu ở Xiêm, nhưng lại đúng vào lúc vắng mặt lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng như một số hạt nhân trung kiên như Hồ Tùng Mậu (bị bắt)… Đoàn đại biểu Bắc Kỳ với vai trò nổi bật của Ngô Gia Tự đã mang đến Đại hội chủ trương đề nghị thành lập ngay một Đảng Cộng sản nhưng không giành được sự nhất trí của Tổng bộ, do đó đã quyết định bỏ ra về với một bản Tuyên ngôn đề ngày 01/6/1929 trong đó vạch rõ sai lầm của Đại hội đã không bàn đến việc thành lập Đảng Cộng sản và kêu gọi: “Phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”. Về nguồn gốc của tài liệu trên, có bút tích ghi rõ: “Tài liệu này rút ở trong hồ sơ cá nhân của đồng chí Nguyễn Văn Hào, tức Nguyễn Văn Chắt (Chắt Hào), thợ nguội ở nhà máy Trường Thi. Mật thám khám thấy ở dưới đáy hòm của đồng chí Nguyễn Văn Hào nên đồng chí đã bị kết án 9 tháng tù, xử ngày 27/3/1930 ở Vinh, do tòa Nam Án xử”. Ngày 02/8/2016, đại diện gia đình nhà báo Hồng Chương là bà Trần Thị Hồng Hạnh (con gái) đã trao tặng tài liệu, hiện vật vô cùng quý giá này cho Ban Quản lý Dự án Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Xin cảm ơn sự chia sẻ của chị!

Nguồn: laodongthudo.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam