Nhà báo Đỗ Đức Dục với Báo chí Cách mạng Việt Nam
Càng gần tới Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2017), mỗi người làm báo vẫn thường hãnh diện, tự hào khi nhắc tới các thế hệ làm báo tiền bối, những chiến sĩ cầm bút đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân; những người đã góp “viên gạch” đầu tiên để tạo dựng nên “ngôi nhà chung” của giới báo chí Việt Nam hôm nay. Nhà báo Đỗ Đức Dục là một trong những người như thế...
“Con dao pha” của làng báo
Nhắc tới tên tuổi nhà báo Đỗ Đức Dục, không thể không nhắc tới trọng trách Phó Chủ tịch Đoàn báo chí Việt nam và Phó Chủ tịch HNBVN, khóa I, nhiệm kỳ 1950 - 1960 mà ông từng đảm nhận. Đó là một chặng đường đầy gian nan của nền báo chí cách mạng Việt Nam với nhiều sự kiện đáng nhớ, trong đó có không ít sự kiện gắn với tên tuổi nhà báo Đỗ Đức Dục, khi ông là một trong số những người tham dự thành lập Hội Nhà báo Việt nam và giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội suốt một thập kỷ nhiệm kỳ đầu tiên này. Bằng uy tín, trí tuệ, kinh nghiệm và sự tâm huyết, ông đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam, vào công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.
Thời kỳ còn làm giám đốc trường Viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, trường viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông đã có nhiều đóng góp nổi bật. Không chỉ đảm nhận công tác quản lý, ông còn trực tiếp lên lớp giảng bài. Học viên sau khi tốt nghiệp, nhiều người đã trở thành những cây bút xuất sắc như nhà báo Hải Như, nhà báo Mai Thanh Hải, nhà báo Trần Kiên, nhà báo Lý Thị Trung; nhiều người chuyển sang những lĩnh vực khác cũng tạo dấu ấn như bà Phạm Thị Mai Cương - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, đạo diễn Bành Châu, đạo diễn Trần Vũ...
Nhà báo Mai Thanh Hải, trong bài viết “Lớp viết báo đầu tiên của nước ta”; Tạp chí Xưa & nay, số tháng 6/1998, vẫn ghi nhớ những ấn tượng: “Cho đến hôm nay, học viên chúng tôi vẫn kính trọng ông Đỗ Đức Dục như một nhà văn hóa, một nhà báo tiền bối và với chúng tôi, ông là bậc thầy. Bài giảng của ông đã gây sóng gió ngay từ ngày đầu tiên của lớp học, dù có nhiều ý kiến đối lập, chúng tôi vẫn thấy quả là phải có dũng khí mới nêu những vấn đề gai góc như thế ra trước giảng đường các nhà báo chúng tôi (hầu hết học viên chúng tôi trước đó đều đã làm báo hoặc đã viết khá nhiều bài báo)...”
Bản lĩnh, phong cách báo chí, tài năng, những nhân tố làm nên tên tuổi Đỗ Đức Dục có nhiều điều đến hôm nay chúng ta còn phải tiếp tục suy nghĩ, bàn luận một cách thấu đáo.
Cả cuộc đời không dời cây bút
Ngày 13/1/1937, bài báo đầu tiên của Đỗ Đức Dục được đăng chính thức trên tờ Hà nội báo của Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư là một truyện ngắn nhan đề “Nga của tôi”. Tác giả viết về một mối tình lãng mạn, phần nào là tâm trạng của Đỗ Đức Dục cũng như thanh niên thế hệ đó, một thanh niên trí thức mất nước giữa cuộc sống vui mà vẫn mang trong lòng một nỗi buồn tưởng như vô cớ.
Bắt đầu chính thức viết báo theo lối tài tử như thế. Còn thật sự viết báo chuyên nghiệp, thật sự làm báo thì mãi đến ngày Đỗ Đức Dục tham gia báo Thanh nghị năm 1942.
Giữa năm 1941, được tin báo Thanh nghị ra đời tại Hà nội. Đỗ Đức Dục quyết tâm trở ra Hà nội để tham gia viết cho tờ báo này.
Bài đầu tiên của Đỗ Đức Dục đăng trên báo Thanh nghị tháng 3/1942 là bài “án Tết”, một bài có tính chất phổ biến pháp luật. bản thân Đỗ Đức Dục cũng tự nhận trong hồi ký “Đổi đời” (tài liệu gia đình lưu giữ): “Truyền bá tư tưởng, phổ biến kiến thức cũng là một xu hướng hoạt động của tôi”. nhưng chỉ ít lâu sau, được anh em trong Ban biên tập báo Thanh nghị, đứng đầu là Vũ Đình Hòe, tín nhiệm và đề nghị, Đỗ Đức Dục thôi hẳn việc dạy học để vào làm Thư ký Tòa soạn cho báo Thanh nghị.
“Từ khi tôi làm Thư ký Tòa soạn cho báo Thanh nghị, tôi viết về nhiều lĩnh vực khác nhau: Chính trị, kinh tế, nhất là xã hội và văn hóa, và ký bằng nhiều bút danh khác nhau: Như Hà, Trọng Đức, Tảo Hoài.
Tôi đặc biệt chú ý đến các vấn đề thời sự, chính trị và qua những bài xã luận, nhằm cổ động lòng yêu nước của thanh niên, sự quan tâm của họ đến vận mệnh của đất nước, nhất là từ sau khi quân nhật đặt gót lên Đông Dương, chuyển tình thế nước ta vào một cục diện mới đầy dự báo” (trích Hồi ký “Đổi đời” của nhà báo Đỗ Đức Dục).
Là một người cầm bút có trách nhiệm và suy nghĩ độc lập, nhà báo Đỗ Đức Dục đã “tả xung hữu đột” bằng ngọn bút trên 2 tờ báo Thanh nghị và Độc lập. Hai mạch chủ đạo ông đi trên báo. Theo nghiên cứu của TS Lê Thị Phong Tuyết, đó là: Thứ nhất, tường thuật và bình luận về các vấn đề thời sự, kinh tế (chủ yếu trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2”; Thứ hai, những vấn đề giáo dục tư tưởng, tình cảm con người” (chủ yếu là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954” (Lê Thị Phong Tuyết (Cb) - Lê Thị Thu Thủy: Đỗ Đức Dục - Hành trình Văn học; NXB Khoa học Xã hội, H. 2003). Viết nhiều thể loại, từ nghị luận đến phóng sự, tạp văn, phê bình văn học, đặc biệt những bài luận chiến sắc bén của Đỗ Đức Dục trên báo Độc lập. Sau này Ngô Quân Miện, Tổng biên tập báo Độc lập hồi tưởng: “Đỗ Đức Dục là một nhà báo, nhà văn viết cả đời không mệt mỏi và đã có những đóng góp đáng kể cho nền báo chí và văn học Việt Nam”.
Những cống hiến của nhà báo Đỗ Đức Dục trong quá khứ luôn vẹn nguyên giá trị đối với mỗi người làm báo hôm nay. Hai con đường mang tên ông ở hai thành phố lớn (Hà nội và TP. Hồ Chí Minh) đã nói lên sự ảnh hưởng to lớn của ông đối với sự nghiệp báo chí nước nhà./.
Như nhà báo Đỗ Đức Dục tự nhận trong Hồi ký, “tôi như con dao pha của tờ Báo Thanh Nghị”. Nhìn toàn bộ cuộc đời Đỗ Đức Dục, ông là “con dao pha” trong làng báo chí Việt Nam thế kỷ XX với 2 tờ báo chủ chốt Thanh Nghị và Độc Lập (thời kỳ đầu, Nguyễn Thành Lê làm Chủ nhiệm, Đỗ Đức Dục làm Chủ bút - Khi Nguyễn Thành Lê chuyển công tác, Đỗ Đức Dục làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút từ 1950 đến 1957). Song hành, ông còn làm Thư ký (cùng Khái Hưng) Đoàn Văn nghệ Bắc Bộ Việt Nam - Ủy ban chấp hành gồm 11 người, Chủ tịch - Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch - Vũ Ngọc Phan; Phó Chủ tịch Đoàn báo chí Việt Nam (cùng Nguyễn Tấn Gi Trọng) - Chủ tịch: Nguyễn Tường Phượng. Tổng Thư ký: Nguyễn Huy Tưởng; Cố vấn: Trương Tửu, Hoàng Hữu Huy, Như Phong và bà Nguyễn Thanh Thủy. Năm 1950, Đỗ Đức Dục được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội là nhà báo Xuân Thủy và Tổng Thư ký là nhà báo Nguyễn Thành Lê; Ủy viên là nhà báo Nguyễn Phong (tức Bùi Sỹ Phúc)... |