Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
19/06/2022 15:53

Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Trách nhiệm, tâm huyết, bản lĩnh và nhân văn

Ngày 19/6/2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nhà báo Phạm Quốc Toàn – Tác giả & Tác phẩm” với sự đồng hành của MHGroup và Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam.

Chắt chiu gửi gắm của một đời người, một đời bút

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Tháng 6 với giới báo chí chúng ta rất có ý nghĩa, bởi gắn liền với cột mốc kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ngày Bác Hồ xuất bản báo Thanh Niên vào 97 năm trước! Hội Nhà báo Việt Nam hiện đang tích cực để triển khai một sự kiện quan trọng trong 2 ngày tới là Lễ trao giải báo chí Quốc gia!  Và, tháng 6 năm nay cũng là một dấu mốc đáng nhớ với nhà báo Phạm Quốc Toàn, sau nửa thế kỷ làm báo chuyên nghiệp.

nha bao pham quoc toan  trach nhiem tam huyet ban linh va nhan van hinh 1

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm.

“Tôi được biết anh đã bắt đầu nghề báo với nhiệm vụ của một phóng viên báo Quân đội Nhân dân! Anh đã kinh qua các công việc từ phóng viên, biên tập viên, trưởng phòng biên tập, tổng biên tập cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và đã có 2 nhiệm kỳ liền là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi tin rằng sẽ có nhiều người trong chúng ta cảm nhận được sau những trang viết đó, là những chắt chiu, gửi gắm của một đời người, một đời bút, một đời báo chí, và nhiều hơn thế, là những hiện diện sinh động và phong phú của đời sống báo chí hôm nay của chúng ta qua con mắt xanh tinh tường và trái tim nghiệt huyết của nhà báo Phạm Quốc Toàn” – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

nha bao pham quoc toan  trach nhiem tam huyet ban linh va nhan van hinh 2

Tọa đàm thu hút được sự tham gia, quan tâm chú ý của rất nhiều các nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí và các đồng nghiệp.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn ở cái tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn đam mê đi và viết, bằng thái độ làm việc nghiêm túc, tâm huyết, giàu tính nhân văn. Ông viết về những gì bạn đọc quan tâm, xã hội cần một lời giải thấu tình, đạt lý.  Như trong lời tự bạch ông chia sẻ rằng: Đam mê, thích rong ruổi vạn nẻo đường xa, một ngày không viết là không chịu nổi; từ báo chuyển qua văn – báo và văn hai thứ nhuần nhuyễn quyện vào nhau…

nha bao pham quoc toan  trach nhiem tam huyet ban linh va nhan van hinh 3

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh phát biểu tại tọa đàm

Ông cũng tâm sự và như một triết lý nghề nghiệp suốt cuộc đời: “Say nghề, sống chết với nghề, không gác bút, buông bàn phím, chớ nhẹ dạ mà buông bỏ con đường mình đã lựa chọn. Chịu khó học, say viết, coi việc ngồi vào bàn mỗi ngày là chơi mà làm, làm mà chơi, là tình cảm, trách nhiệm, là nghĩa vụ và niềm tin yêu cuộc sống, vì sự nghiệp cầm bút mà mình hằng trân trọng" 

nha bao pham quoc toan  trach nhiem tam huyet ban linh va nhan van hinh 4

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ những cảm nhận về đời và nghề của nhà báo Phạm Quốc Toàn tại cuộc Toạ đàm.

Với vốn hiểu biết sâu rộng, toàn diện và đời sống thực tiễn phong phú, sâu sắc, nguồn sáng tạo luôn tuôn chảy nơi ông với các tác phẩm lần lượt ra đời và được bạn đọc đón nhận như: “Tản mạn về đời”, “Đời và nghề”, “Đi một ngày đàng”, “Tôi nói bằng mồm tôi”, “Xứ sở chùa Vàng”; “Đất vàng”; “Ký giả”; “Phi thường”; “Búp sen hồng”; “Lốc xoáy thời cuộc”; “Con voi chui lọt lỗ kim”; “Từ bến sông Nhùng”; “Cá chép hóa rồng”…

Và nay, tập sách thứ 20 mang tên “Chuyện tình phố cổ” tiếp sau tập truyện ngắn “Hoa bằng lăng” ra mắt công chúng. Từ cậu bé rất mê toán học, đi bộ đội, rồi thành người viết báo, viết văn có uy tín với chặng đường nửa thế kỷ. Ông ví quá trình đó như là một cuộc “Vượt Vũ Môn” trên núi Giăng Màn Hà Tĩnh quê ông!

nha bao pham quoc toan  trach nhiem tam huyet ban linh va nhan van hinh 5

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ tại cuộc Toạ đàm.

Nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cảm nhận về cây bút Phạm Quốc Toàn: “Ở Phạm Quốc Toàn, văn và báo không phải hai trong một. Chúng là hai thực tế cá tính độc đáo, lạ lẫm, với sức ẩn dụ, cuốn hút khác nhau đến lạ lùng. Ông gõ cửa văn chương muộn hơn nhưng cái mầm văn chương, cái cây văn chương ấp ủ và sinh trưởng trong ông từ rất lâu đến giờ bung ra thì đã sum xuê, đã là quả ngọt”.

Ông sống như thế nào làm nghề như thế…

Tại buổi Toạ đàm, rất nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí, những người đồng nghiệp, người thân đã có những cảm nhận về đời và nghề của nhà báo Phạm Quốc Toàn rất chân thành, sâu sắc.

nha bao pham quoc toan  trach nhiem tam huyet ban linh va nhan van hinh 6

Nhà báo Phạm Quốc Toàn chia sẻ với các đồng nghiệp bè bạn về những đam mê với nghề

PGS.TS, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ rằng, nói đến Phạm Quốc Toàn là nói đến một chặng đường hoạt động báo chí đầy gian truân nhưng rất vẻ vang. Từ một người lính báo Quân đội Nhân dân, anh xông pha ra trận mạc, sau này tham gia ba khóa với tư cách là Tổng biên tập báo Bà Rịa – Vũng Tàu…Chính từ những thực tiễn hoạt động nghề nghiệp đầy sôi động, uy tín đó đã giúp nhà báo Quốc Toàn có nhiều chất liệu quý để viết những bài bút ký hay và chắc chắn sức viết ấy sẽ còn tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm nữa…

Còn nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thì cho rằng, với 20 cuốn sách xuất bản trong vòng 10 năm đã chứng minh về sức sáng tạo, sức viết bền bỉ của nhà báo Phạm Quốc Toàn. Ông nói gì trong ngần ấy cuốn sách, ông nói về tình yêu đất nước, trách nhiệm đối với xã hội. “Tôi cảm thấy một điều, đối với anh Toàn có 2 chữ “đời và nghề” – sống thế nào làm nghề như thế. Anh Phạm Quốc Toàn có một bề dày nghề nghiệp hơn 40 năm liên tục làm báo qua nhiều cương vị khác nhau. Con người như thế nào thì anh làm nghề như vậy: Trách nhiệm, tâm huyết, bản lĩnh và nhân văn. Đọc sách anh, các bài viết của anh, trong báo chí thấy xã hội, trong chữ nghĩa thấy văn hóa và tư tưởng, trong đời thấy nghề neo đậu, trong nghề thấy đời cuộn chảy”…

nha bao pham quoc toan  trach nhiem tam huyet ban linh va nhan van hinh 7

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Cũng tại buổi tọa đàm này, các đại biểu được nghe lại nhiều kỷ niệm mà các đồng nghiệp kể lại, để thấy sự chân thành, trách nhiệm trong cách sống và cách viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn. Chợt nhớ đến cây đại thụ báo chí và văn chương Việt Nam đương đại Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam viết trên báo Nhà báo và Công luận: “Phạm Quốc Toàn là một tài năng báo chí và văn học. Ông đi nhiều, viết khỏe, viết nhanh, viết trúng, quảng giao rộng, nhưng là người kiệm lời, con người của sự khiêm nhường và ắp đầy nghĩa tình”.

PGS. TS Nguyễn Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền – người từng viết tới 6, 7 bài cảm nhận về nhiều cuốn sách của nhà báo Phạm Quốc Toàn đã chia sẻ về 3 bài học rút ra khi tiếp xúc với con người và tác phẩm của ông. Đầu tiên đó là sự cẩn trọng trong nghề. Thứ hai là sức nghĩ, sức làm việc qua những tác phẩm mà ông đã miệt mài viết và xuất bản. Thứ ba, ông là người luôn hướng về điều tích cực, điều nhân văn trong cuộc sống dù cuộc đời ông, sự nghiệp của ông có nhiều gian truân…

Hà Vân – Sơn Hải

Ngày 19/6/2022 này là một ngày rất đặc biệt đối với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, vì đây là ngày tròn 2 năm Bảo tàng khánh thành không gian trưng bày thường xuyên và mở cửa đón khách tham quan. Đó là 2 năm quan trọng mở đầu chặng đường khẳng định tên tuổi, vị trí của một bảo tàng non trẻ trong hệ thống bảo tàng quốc gia nước ta, trên hành trình trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước ngay cả những các thời điểm trước, trong và sau dịch covid - 19.

Nguồn: Baotangbaochi.vn/Congluan.vn
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam