Những câu chuyện về Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu về các hiện vật Bảo tàng
Quá trình “từ không đến có”, đồng thời là quá trình“vừa học, vừa làm”của các cán bộ bảo tàng, từ lãnh đạo đến nhân viên, nhiều người xuất thân là nhà báo chuyển sang nhận nhiệm vụ làm bảo tàng, là một quá trình dù khó khăn, vất vả, đầy áp lực, song được sự ủng hộ các thế hệ lãnh đạo hội nhà báo Việt nam, của các cấp các ngành, các cấp hội nhà báo và cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương, của nhiều tập thể và cá nhân trong và ngoài nước.
NHÀ BÁO TRẦN KIM HOA - GIÁM ĐỐC BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM:
Thời khắc Bảo tàng Báo chí Việt Nam mở cửa đón khách tham quan là một thời khắc đặc biệt quan trọng, được chờ đợi từ rất lâu, nhất là đối với chúng tôi, những người làm trực tiếp. Chắc chắn còn có những điều chưa làm được, còn có những thiếu sót không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi luôn mong rằng, đó là tất cả những gì có thể có được và làm được trong khoảng thời gian ngắn ngủi, đầy khó khăn vừa qua. Phía trước vẫn là chặng đường dài mà những người làm bảo tàng muốn làm tốt nhiệm vụ vẫn phải tiếp tục bền gan, vững chí đi tới...
THS. QUANG MINH:
Chuyện về tờ Gia Định Báo số 4 sau 155 năm lưu lạc
Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn quan tâm và dành nhiều tâm sức để tìm hiểu Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam xuất bản từ 1865. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những số đầu tiên của tờ báo này gặp không ít khó khăn. Cuốn Lịch sử Báo chí Việt Nam xuất bản năm 1973 của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng cho biết: “tất cả tài liệu báo chí xuất bản tại Đông Dương đều được lưu trữ trong văn khố Quốc gia Pháp”, đồng thời có nhắc đến Thư viện Trường Ngôn ngữ và Văn minh Pháp thời điểm đó đang lưu giữ tờ số 4 Gia Định Báo, xuất bản ngày 15/7/1865.
Từ thông tin đó, tôi được phân công viết hai bức thư gửi đến Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Trường Ngôn ngữ và Văn minh ở Paris, để hỏi về một số tờ báo của Việt Nam thời kỳ đầu, trong đó đặc biệt lưu ý Gia Định Báo. Ngày hôm sau, hai cơ quan này đã có thư trả lời và đồng ý sẽ giúp tìm lại tờ báo đã có tuổi đời 155 năm này.
Chúng tôi hồi hộp chờ đợi và tin vui mấy ngày sau đã đến. Ông Benjamin Guichard, Giám đốc Khoa học của Thư viện Trường Ngôn ngữ và Văn minh đã hồi âm, thông báo bộ phận lưu trữ của họ đã tìm thấy bản gốc tờ Gia Định Báo số 4, tờ cổ nhất họ còn lưu giữ, xuất bản ngày rằm tháng 7 năm 1865.
Tuy nhiên, do có tuổi đời trên 1,5 thế kỷ, tờ báo đã bị ảnh hưởng bởi thời gian nên không thể đưa đi sao chụp. Rất may, các nhân viên của Thư viện đã tìm được bản lưu micro phim chất lượng cao của tờ báo, thực hiện từ năm 1959 và gửi tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Từ sự hợp tác ban đầu đó, Thư viện Trường Ngôn ngữ và Văn Minh cùng Thư viện Quốc gia Pháp đã tặng Bảo tàng Báo chí nhiều thông tin quý và hơn 30 bản số hóa khác về tờ Gia Định Báo, tờ báo khởi đầu nền Báo chí Việt Nam.
Các nhà báo tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày 13/6
THS. MAI CHÍ VŨ:
Chuyện đưa Loa bên cầu Hiền Lương về với Bảo tàng
Hồi mới nhận công tác ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong cuộc họp cơ quan, khi đồng chí Giám đốc đề cập “một việc quan trọng” là phải vận chuyển chiếc loa 500 W ở bến Hiền Lương, Quảng Trị về Hà Nội gấp, tôi lập tức xung phong nhận nhiệm vụ. Vào đến nơi, tôi gặp ngay anh Trần Đăng Mậu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị, người rất tích cực và công phu trong việc giúp Bảo tàng có được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trong việc chuyển giao chiếc loa, một hiện vật gắn với câu chuyện “đấu loa” bên cầu Hiền Lương thời chống Mỹ. Anh Sỹ - Chánh văn phòng Hội giúp tôi thuê xe tải và đi về cùng tôi suốt chặng đường gần 60 km.
Khi nhìn thấy chiếc loa, tôi ngỡ ngàng vì kích thước của nó, với chiều dài 2,04 m; chiều rộng miệng loa 1,64 m. Hai đoạn đầu tạo thành thân loa, có chiều dài 1,41 m, đoạn cuối là vỏ chứa tổ hợp khuếch đại âm thanh có chiều dài 0,72 m, toàn bộ mặt bên trong phẳng, mặt ngoài được đúc gờ nổi dọc thân loa. Một nữ cán bộ tại Ban Quản lý Di tích cười bảo: Hồi xưa mỗi khi loa phát, gà vịt chạy ngang qua là lăn quay ra vì với độ phóng 500W nên sức nén rất khủng!
Phải huy động 6 người khỏe mạnh, cả bảo vệ của khu di tích cũng tham gia khênh “cụ loa” ra xe. Xe để ngoài đường lớn cách hàng trăm mét. Chúng tôi vừa khênh vừa nghỉ. Mất rất lâu mới đưa được chiếc loa lên thùng xe và cột chặt lại rồi di chuyển ra ga tàu hỏa. Tuy nhiên, vì thấy loa nặng lại cồng kềnh, tàu dừng ở ga 3 phút sẽ không kịp chuyển lên nên chúng tôi quyết định ra bến tìm xe tải chở hàng ra Hà Nội.
Anh tài xế tưởng là cổ vật nên không nhận chở, phải thuyết phục mãi, đưa cả giấy tờ liên quan ra, anh mới đồng ý. Đến Hà Nội, xe tải phải đậu ở gầm cầu Thanh Trì, tôi lại phải kì cạch đi thuê xe cẩu để đưa loa về đến nơi. Khi chiếc loa được chuyển vào phòng bảo quản, cả cơ quan ai cũng mừng. Bởi đây là một trong bốn phiên bản phục chế quý giá từ bản gốc của chiếc loa đại tại bờ Bắc sông Bến Hải, gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc nơi đất lửa Vĩnh Linh anh hùng. Hiện, chiếc loa đã được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở phố Dương Đình Nghệ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Khung cảnh Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam
THS. NGUYỄN VĂN BA:
“Hạnh phúc vì được góp phần làm sáng tỏ lịch sử”
Có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên trong quá trình công tác của mình, đó là việc làm sáng rõ nội dung Sổ ghi cảm tưởng của các giảng viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ban đầu, khi cầm hiện vật trên tay, tôi thấy nó giống như những cuốn sổ bình thường khác. Nhưng khi lật từng trang, đọc được một số bút tích và chữ ký của những tên tuổi lớn như Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp..., tôi đã sững sờ vì biết rằng đây thực sự là một bảo vật chứa đựng nhiều thông tin giá trị. Điều đó thôi thúc chúng tôi tìm mọi cách để có được địa chỉ, điện thoại và trực tiếp gặp gỡ những nhân chứng còn sống. Bằng cách đó, các thông tin, tài liệu, hình ảnh về cơ sở đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp đã dần được củng cố, bồi đắp.
Tôi vô cùng nể phục trí nhớ của các học viên, đặc biệt là nhà báo Trần Kiên (một học viên năm xưa của lớp, người từ năm 1958 là phóng viên thường trú đầu tiên của Báo Nhân dân và Thông tấn xã Việt Nam tại Mat-xcơ-va, sau này ông là Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân), khi ông giúp chúng tôi xác định kỹ lưỡng và chính xác từng bút tích, từng chữ ký trong cuốn sổ dù 70 năm đã trôi qua. Và niềm vui sau bao năm trăn trở của các học viên mỗi khi trở về nguồn cũng như những nỗ lực của cán bộ, nhân viên bảo tàng đã thành hiện thực.
Ngày 28/3/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường đã được tổ chức trọng thể tại Thái Nguyên vào đầu tháng 4/2019 và trở thành một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc đối với những người làm báo cả nước. Đối với chúng tôi, những cán bộ trẻ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam có cơ hội được bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ làm báo đi trước, đối với những đóng góp của một ngôi trường đào tạo báo chí đầu tiên của Việt Nam.
Những hiện vật lịch sử
THS. MINH CHÂU:
Câu chuyện xúc động sau tấm ảnh đoạt giải Pulitzer
Việc tham gia công tác sưu tầm cùng các đồng nghiệp từ những ngày đầu là một lợi thế cho tôi khi đảm nhận công việc của một thuyết minh viên tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tại những nơi đã đi qua và mỗi lần được gặp người trong cuộc, tôi đều ghi chép đầy đủ thông tin và những câu chuyện liên quan đến tư liệu, hiện vật mà chúng tôi nhận được.
Cho đến giờ, tôi vẫn rất ấn tượng với cuộc gặp phóng viên Nick Út, tác giả bức ảnh Em bé Napalm nổi tiếng thế giới vào cuối tháng 5/2018 khi ông có mặt tại Hà Nội. Nhân vật chính trong bức ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc cùng một số nạn nhân khác vừa chạy vừa khóc sau trận bom Napalm Mỹ dội xuống Trảng Bàng, Tây Ninh ngày 8/6/1972. Vào khoảnh khắc tang thương đó, Kim Phúc mới 9 tuổi.
Dường như Nick Út vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi kể lại câu chuyện về tác phẩm ảnh đã giúp ông đoạt giải thưởng Pulitzer. Giữa làn khói mờ của bom đạn, ông đã nhìn thấy và lập tức đưa vào khuôn hình hình ảnh một cô bé mình trần cùng những đứa trẻ khác vừa chạy vừa hét lớn. Như những phóng viên khác của Hãng tin AP (Mỹ), ông cần trở về Văn phòng của mình sớm nhất để chuyển những bức ảnh thời sự đó cho tòa soạn kịp đăng bài, nhưng Nick Út đã có một quyết định khác. Ông cất máy ảnh, chạy tới trấn an và lấy bi-đông nước dội lên người Kim Phúc với hy vọng giúp cô bé đang toàn thân bỏng rộp bởi chất Napalm rồi nhanh chóng đưa cô bé tới bệnh viện.
Hành động cứu người của Nick Út thời điểm ấy, không phải ai cũng làm được. Phía sau tấm ảnh đoạt giải thưởng là câu chuyện tình người, là trái tim nhân văn của một người làm báo trẻ tuổi. Có thể nói từ câu chuyện của phóng viên Nick Út, tôi hiểu rằng, đằng sau các tư liệu hiện vật mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang lưu giữ, chứa rất nhiều thông điệp, những câu chuyện hấp dẫn mà một thuyết minh viên như tôi sẽ cảm thấy tự tin hơn khi chuyển tải được tới công chúng...
"Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ" - Hồ Chí Minh
THS. VŨ THỊ HẢI YẾN:
Biết ơn sâu sắc mọi sự đồng hành, chia sẻ với bảo tàng
Tôi đã gắn bó với công tác sưu tầm bảo tàng 17 năm và về làm việc tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam được gần 5 năm. Tính đến nay, tôi cùng đồng nghiệp đã sưu tầm được trên 2 vạn tài liệu hiện vật. Trong quá trình công tác, tôi may mắn được giao lưu, gặp gỡ, khai thác và nghe những câu chuyện làm nghề của rất nhiều nhà văn, nhà báo khắp mọi miền đất nước. Qua đó, tôi cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm và tích lũy cho mình những bài học bổ ích về nghề, về cuộc sống.
Tại Bảo tàng Báo chí, tôi cùng với đồng nghiệp đã tham gia sưu tầm và tổ chức được 13 lần hiến tặng tài liệu hiện vật. Mỗi lần tổ chức lễ hiến tặng là một lần chúng tôi có những cuộc gặp gỡ mang lại nhiều xúc cảm và kỉ niệm khó quên. Lần tổ chức Lễ hiến tặng tài liệu hiện vật tại TP. HCM cuối năm 2015, khi đó Bảo tàng chưa được thành lập, chúng tôi với danh nghĩa cán bộ Ban quản lý Đề án mới chân ướt chân ráo chuyển về.
Tôi may mắn được đến nhà riêng của vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương - là hai trong số những nhà báo có bộ sưu tập báo cắt dán lớn nhất cả nước. Hai ông bà dành cả đời để sưu tầm và gom góp những trang báo mang về đóng thành những tập lưu với các chủ đề khác nhau. Vợ chồng ông sau khi biết có một bảo tàng mang tên Bảo tàng Báo chí Việt Nam sắp được thành lập rất vui mừng và tin tưởng tặng và chuyển nhượng cho chúng tôi gần 50 tập lưu báo cùng mấy chục đầu báo đã được cẩn thận lưu giữ từ nhiều năm trước.
Tôi nghĩ, nếu không gặp được những người yêu quý báo chí, yêu quý lịch sử, luôn trân trọng nâng niu gìn giữ tư liệu một cách “chí công, vô tư” như bác Phương, bác Hương..., Bảo tàng của giới báo chí nói riêng và các bảo tàng mới ra đời khác, rất khó có được sự chủ động, tự tin cần thiết khi tiến đến ngày khai trương trưng bày và có thể phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Vì thế, cá nhân tôi và các đồng nghiệp đều rất muốn được bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với những tập thể và cá nhân đã đồng hành với Bảo tàng Báo chí suốt thời gian qua!
Biểu tượng hình ngòi bút
Có thể nói, trưng bày là cách một bảo tàng tự giới thiệu về mình, tự gọi tên mình và xích lại với công chúng. nếu không, bảo tàng chỉ như một cái kho thuần túy để lưu giữ và bảo quản tài liệu hiện vật...Ngoài những cách trưng bày truyền thống (sắp xếp hiện vật theo chủ để, trình tự với phong cách nghệ thuật nhất định thông qua hệ thống tủ, tường, mảng miếng, mô hình ...), để truyền tải được nhiều nội dung phong phú, đa dạng hơn, Bảo tàng Báo chí Việt nam còn áp dụng nhiều công cụ hỗ trợ trưng bày khác như nghe, nhìn, trục quay rulô, khám phá trải nghiệm..., giúp bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đáp ứng được hiệu quả hơn về nhu cầu tham quan, học tập, trải nghiệm của công chúng, với mục tiêu trở thành một địa chỉ giảng dạy thực tế tin cậy cho các trường thuộc chuyên ngành báo chí và truyền thông của nước nhà.
(TS. Nguyễn Thu Hiền - Cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam)
CN. DƯƠNG THỊ ĐÔNG
Mỗi hiện vật bảo tàng là một gạch nối quá khứ với tương lai Hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang lưu trữ hơn 2 vạn tư liệu, hình ảnh, hiện vật của các nhà báo, cơ quan báo chí trao tặng và chuyển nhượng, gồm nhiều sưu tập báo, tạp chí từ 1865 đến nay, nhiều thiết bị, dụng cụ tác nghiệp, tư liệu ảnh, sổ sách, ghi chép, bản thảo... Đây là những hiện vật vô giá, khắc họa quá trình làm báo gian khổ nhưng đầy vinh quang của các thế hệ nhà báo.
Với tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, được lãnh đạo cơ quan tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, kiểm kê và bảo quản những tài liệu hiện vật, với tôi đó là một nhiệm vụ thiêng liêng. Thiêng liêng từ những tờ báo đầy tính chiến đấu mà các thế hệ nhà báo tiền bối đã quyết liệt tạo dựng, là những kỷ vật chiến trường của những nhà báo - chiến sĩ, những người đã không tiếc tuổi hai mươi để có mặt trên khắp các chiến trường trong các cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc...
Mỗi tài liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện đặc biệt gắn với các thời kỳ làm báo sôi nổi, gian khó, hiểm nguy. Đó là những chiếc khăn dù, võng dù, những bức thư gửi cho gia đình hẹn ngày trở về, những bản thảo, sổ ghi chép còn đang viết dở của các nhà báo liệt sĩ Phạm Đình Côn, Hồ Tương Phùng, Nguyễn Mai, Hoàng Thanh Tùng, Tô Chức..., là chiếc xe đạp Thống Nhất bạc màu sơn của Nhà báo Đặng Loan - Tổng Biên tập đã lao mình vào cứu người ở bệnh viện Tây Hiếu, Xưởng cơ khí và hy sinh khi trở về tòa soạn giữa mưa bom, bão đạn.
Hay giấy báo tử “nhầm” của nhà báo Kim Toàn, hộp đèn dầu tự chế để viết báo của nhà báo Đặng Minh Phương, giấy đi B của nhà báo Phan Khắc Hải khi vượt Trường Sơn để chiến đấu và tác nghiệp tại các chiến trường ác liệt như Quảng Trị, Nam Lào, Khe Sanh...
Đó là những tấm thẻ, bức ảnh, đồ dùng tác nghiệp của các nhà báo Xuân Thủy, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Thành Lê, Hà Đăng khi tham gia Hội nghị Paris (1968 - 1973); là những kỷ vật của các nhà báo Đào Tùng, Phan Quang, Trần Kiên, Trần Mai Hưởng trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975. Chiến tranh đã đi qua, những kỷ vật luôn như những gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.
Từ các hiện vật liên quan đến các loại hình báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử được sưu tầm, chúng tôi tự hào vì có cơ hội ngày một hình dung rõ nét hơn, đầy đủ hơn về lịch sử vinh quang của báo chí nước nhà.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam khai trương ngày 19/6/2020
TS. NGUYỄN THU HIỀN
Sức hấp dẫn của những câu chuyện “bút sắc lòng trong”
Cầm cuốn Đề cương thuyết minh dày cộm trên tay, tôi ít nhiều e ngại. Nhiều năm làm bảo tàng, dù đã trải qua hầu hết các khâu công tác nghiệp vụ nhưng tôi chưa một lần làm thuyết minh viên. Làm sao để truyền tải được hết nội dung và ý tưởng trưng bày của bảo tàng đến công chúng khi ngày khai trương đang cận kề? Tôi thực sự lo lắng. Bởi tôi hiểu thuyết minh viên chính là cầu nối giữa trưng bày và công chúng.
Nếu làm không tốt vai trò này, đồng nghĩa với việc các khâu công tác nghiệp vụ trước đó không còn ý nghĩa. Đọc và cảm nhận, tôi bắt đầu tìm cho mình câu trả lời từ “xương sống” của bảo tàng là hiện vật. Đó là những câu chuyện xung quanh hiện vật được chủ sở hữu, chủ thể hiện vật lưu giữ kể lại.
Tôi đã tìm thấy sức hấp dẫn từ những tấm gương làm báo say mê, kiên định trong mọi hoàn cảnh vẫn giữ “bút sắc, lòng trong”; là câu chuyện của những “chiến sỹ” không cầm súng, nhưng đã tạo sức nặng to lớn cho sự thành công trên các bàn đàm phán; đặc biệt là câu chuyện về những kỷ vật của các nhà báo chiến trường, trong mưa bom bão đạn vẫn tác nghiệp cho đến giây phút cuối cùng... và còn rất nhiều câu chuyện khác chưa được biết liên quan đến hiện vật cần được khai thác và phát huy giá trị.
Quả thực, đây là nguồn tài liệu vô cùng quý giá mà nhiệm vụ của thuyết minh viên là làm sống lại những câu chuyện đó thông qua ngôn ngữ của bảo tàng. Tôi tin đó sẽ là một trong những chiếc chìa khóa giúp hoàn thành tốt công việc của một thuyết minh viên tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.