Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
12/06/2017 16:20

Những kỷ vật báo chí của nhà báo Huỳnh Hùng Lý

Tôi may mắn gặp được “con sói phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân vào một ngày Hà Nội tháng 3 mưa tầm tã. Được biết, anh ra Hà Nội để hiến tặng những hiện vật của ba mình - cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Kỷ vật
Tôi may mắn gặp được “con sói phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân vào một ngày Hà Nội tháng 3 mưa tầm tã. Được biết, anh ra Hà Nội để hiến tặng những hiện vật của ba mình - cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Kỷ vật “độc nhất vô nhị” Đó là chiếc huy hiệu của Báo Nhân Dân ghi con số 11/3/1951, năm ra số báo đầu tiên, một kỷ vật khác là những trang báo đối ngoại miền Nam Việt Nam chiến đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam bằng tiếng Anh và Pháp, ghi đậm dấu ấn cuộc đời hoạt động báo chí của nhà báo Huỳnh Hùng Lý. Nhà báo Huỳnh Dũng nhân chia sẻ, cha ông là một người lưu trữ tư liệu tuyệt vời. Ông lưu giữ được khá nhiều tư liệu, hình ảnh, bút tích các nhà báo, kể cả một bức tranh chân dung Chủ tịch Fidel Castro tặng ông khi sang Cu Ba năm 1963... Và suốt 50 năm làm báo, ông vẫn mang theo hành trang những kỷ vật đó dù ra bắc hay vào Nam. Những cuốn sách của nhà báo Huỳnh Hùng Lý đều có những giá trị tư liệu của một “thư ký lịch sử”. Cha - con với vị “thánh sống” của Cách mạng Năm 1953, nhà báo Huỳnh Hùng Lý xuất bản cuốn sách “Chiến đấu viên họ Trần” (ký tên Việt Hùng) viết về nhà cách mạng lão thành Trần Xuân Độ, một người mà tác giả đã nhận xét: “Cuộc đời ông là một thiên tiểu thuyết ly kỳ, hùng tráng, là một bài thơ hết sức đẹp đẽ, là một bức tranh màu sắc tuyệt vời”. Với lòng cảm phục và trân trọng, nhà báo Huỳnh Hùng Lý đã ghi lại cuộc đời của vị chiến đấu viên họ Trần với dung lượng không dài nhưng giá trị là một tiểu thuyết. Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền khi là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã làm luận văn về cuốn sách này viết: “Đây là cuốn tiểu thuyết Cách mạng miền Nam đầu tiên”. Còn học giả Trần Bạch Đằng coi đây là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ cán bộ, thanh niên lúc bấy giờ. Tiếc rằng, sau lần xuất bản đầu tiên, bản thảo của cuốn sách không còn. Mãi đến năm 2001, gia đình ông Trần Xuân Độ mới gọi điện cho nhà báo Huỳnh Hùng Lý nói rằng, vừa tìm được cuốn sách xuất bản năm 1953 ấy. Lúc này, chiến đấu viên Trần Xuân Độ đã qua đời. Ông đã đến từ thế kỷ XIX, đi qua gần trọn thế kỷ XX vinh quang. nhà báo Huỳnh Hùng Lý quyết định tái bản cuốn sách “Chiến đấu viên họ Trần”. Lần tái bản này có phần viết tiếp về ông Trần Xuân Độ vào năm 1997 của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi đang là phóng viên Báo Lao Động. Thế là hai cha con nhà báo Huỳnh Hùng Lý cùng viết chung một cuốn sách của nửa thế kỷ về chân dung cuộc đời vị “thánh sống” của cách mạng. Trong những hiện vật của nhà báo Huỳnh Hùng Lý còn có những cuốn sách đặc biệt. Đó là những cuốn sách - thành quả lao động báo chí của nhà báo Huỳnh Dũng nhân - con trai ông kính tặng ông khi vừa in xong với lời ghi: “Tặng ba, người thầy báo chí đầu tiên của con”. Nay ông đã mất, gia đình tặng lại những cuốn sách đầy tình cha con ấy cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nổi danh là “con sói phóng sự” trong làng báo Việt Nam với những phóng sự để đời suốt những năm 1990 - 2010. Nhiều phóng sự của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được coi là những tác phẩm báo chí nổi bật và được đưa vào giáo trình ở các trường báo chí. Anh cho biết mình cũng nhiễm cái máu “đi và viết” của cha mình, và bây giờ thấm thía thêm cái tâm huyết lưu trữ kỷ vật báo chí truyền thống. Trong đợt phát động hiến tặng kỷ vật báo chí lần trước, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng thay mặt gia đình cố nhà báo nhà nhiếp ảnh Bùi Á, phóng viên báo Nhân Dân, người chuyên chụp ảnh Bác Hồ thập niên 1960, hiến tặng bản điếu văn trong lễ truy điệu Bác Hồ viết trong nhà lao Non Nước (Đà Nẵng) khi nhà báo Bùi Á bị địch cầm tù tại đây. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, sinh thời, ba anh đã có ước nguyện tặng lại những tư liệu quý cho Bảo tàng Báo chí Việt nam và gia đình anh sẽ còn tiếp tục sưu tập và hiến tặng thêm những kỷ vật báo chí có giá trị cho bảo tàng vào thời gian sắp tới./. Thụy Anh
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam