Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
28/06/2017 19:31

Kỷ vật kể chuyện nghề báo

Nhà báo Kim Hoa giới thiệu về kỷ vật của nhà báo Hoàng Tùng. Tôi bước vào căn phòng lúc nào cũng bật điều hoà ấy và cảm giác mình đang lạc vào một thế giới khác, giữa rất nhiều máy quay phim, máy ảnh, máy chữ, sổ ghi chép và những

Nhà báo Kim Hoa giới thiệu về kỷ vật của nhà báo Hoàng Tùng.

Tôi bước vào căn phòng lúc nào cũng bật điều hoà ấy và cảm giác mình đang lạc vào một thế giới khác, giữa rất nhiều máy quay phim, máy ảnh, máy chữ, sổ ghi chép và những chồng báo cũ. Tất cả đều ngả màu thời gian. Mười bốn nghìn hiện vật, tất cả đã sẵn sàng để được lựa chọn trưng bày trong bảo tàng nhằm tái hiện sinh động lịch sử báo chí nước nhà từ năm 1865 đến nay. Nơi đó, ký ức đang lên tiếng... Ký ức đồng hành cùng lịch sử Từ lâu ý tưởng về một bảo tàng báo chí đã được nhiều thế hệ của Hội Nhà báo Việt Nam ấp ủ. Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam vắt qua hai thế kỷ với nhiều đóng góp là thế, tại sao không có nổi một bảo tàng như lĩnh vực văn học, mỹ thuật. Ngày 21-8-2014, Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bảo tàng được đưa vào quy hoạch hệ thống Bảo tàng Quốc gia đến năm 2020. Với ba dự án thành phần: Sưu tầm hiện vật, tài liệu và hình ảnh; Trưng bày bảo tàng; tuyển dụng và đào tạo cán bộ, việc tuyển dụng và đào tạo cán bộ được triển khai đầu tiên. Và nhà báo Trần Kim Hoa, lúc ấy đang làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, được lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam điều sang tiếp quản dự án. Là dân ngoại đạo, bỗng dưng bập vào một công việc vốn bị coi là tẻ nhạt, lại là “tuyến sau” so với làm báo lúc nào cũng chạy theo thời sự, đồng thời phải bắt đầu vừa học vừa chịu trách nhiệm về một công việc hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm với những khó khăn bộn bề... Thế mà, chỉ rất nhanh sau đó, khi ngọn lửa đam mê bắt đầu nhen lên và nữ nhà báo đã thú nhận rằng chị đã cảm thấy yêu công việc mới lúc nào không hay: “Những hiện vật, tài liệu tưởng như đã thuộc về quá khứ, đã rơi vào quên lãng nhưng lại gắn liền với sự sống và cái chết, niềm vui nỗi buồn và mồ hôi nước mắt của nhiều thế hệ nhà báo. Đó là những câu chuyện đời, chuyện nghề mà những người làm báo đi trước đã trao truyền, gửi lại cho các thế hệ đi sau”. Có hiện vật mới có bảo tàng, bảo tàng phải bắt đầu từ hiện vật. Tiếp nhận ý kiến các chuyên gia, cố vấn bảo tàng, trong hai năm qua Hội Nhà báo Việt Nam đã sáng kiến tổ chức nhiều lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam với quy mô rộng lớn trên nhiều tỉnh thành. Từ 500 hiện vật được hiến tặng ngay trong đợt phát động đầu tiên, đến nay gia tài của Bảo tàng đã lên đến 14 nghìn hiện vật, tài liệu - một con số vẫn còn khiêm tốn, mà chỉ trước đó không lâu chẳng ai dám nghĩ tới. Sau thời gian đầu cực kỳ vất vả để có được những hiện vật báo chí có giá trị đầu tiên, đã xuất hiện những thuận lợi, may mắn do chính các nhà báo, những công chúng báo chí và những người quan tâm đem tới. “Quý vật phải gặp quý nhân”, đã có những nhà báo và thân nhân nhà báo chủ động tìm đến Hội Nhà báo Việt Nam để hiến tặng hiện vật. Đầu tiên là nhà quay phim Phạm Việt Tùng khi ông quyết định tặng tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy chữ ở chiến khu Việt Bắc năm 1951 - một tấm ảnh độc bản, có bút tích và chữ ký của Bác ở phía sau. Một ngày rất vui khác, ông Bùi Thanh Tùng - nguyên phụ trách kỹ thuật Đài phát thanh Efphen, nguyên Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp mang từ Pháp về một chiếc máy chữ - hiện vật đồng thời với chiếc máy chữ Bác Hồ sử dụng những năm ở chiến khu Việt Bắc. Rồi mới đây, ông Nguyễn Thành Vị - con trai của nhà báo Nguyễn Thành Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, trưởng đoàn báo chí, người phát ngôn của phái đoàn Việt Nam ở Hội nghị Paris, trực tiếp đến làm việc với Ban quản lý Dự án về việc hiến tặng hàng trăm hiện vật, tài liệu gốc cố nhà báo Nguyễn Thành Lê để lại như bút, sổ ghi chép, đài, ti-vi, báo Pháp viết về Việt Nam, trang phục dự Hội nghị Paris...- một mảng hiện vật quan trọng chuẩn bị cho trưng bày Bảo tàng còn để trắng. Trong hai năm (2013 -2014), gia đình nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã hiến tặng nhiều kỷ vật cho Bảo tàng Báo chí. Những hình ảnh sinh động về các kỷ vật đó đã được khai thác phục vụ bộ phim tài liệu của Truyền hình Nhân Dân về nhà báo lão thành này. Con trai nhà báo Hoàng Tùng – ông Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Văn hóa -Thể Thao và Du lịch sau khi xem phim đã quyết định tặng thêm nhiều kỷ vật quý khác còn lại của cha mình. Trong đó phải kể đến bộ bàn ghế mây - nơi nhà báo Hoàng Tùng thường ngồi duyệt, viết bài và chiếc va-li nhỏ mầu nâu trên có ghi hai chữ bằng bút dạ : “Của ba”. Trong va-li đựng rất nhiều vật dụng như sổ ghi chép, ảnh, thẻ nhà báo, máy ảnh, mũ phớt... vốn rất gắn bó với nhà báo Hoàng Tùng lúc ông còn sống. Quả không dễ để các con của nhà báo lớn xa được những kỷ vật thân thiết và quý giá để lại của người Cha - một cây cổ thụ của làng báo, nếu không phải là Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đối với ông Nguyễn Trung Thành - nguyên cán bộ phòng tư liệu, thư viện Báo Nhân Dân thì dường như việc sưu tầm và cắt dán các bài báo theo các chủ đề khác nhau là niềm vui sống góp phần giúp ông chiến thắng bệnh trọng. “Sau tiếp nhận hiện vật thì phải tiến hành “giải mã”, phân loại theo nghiệp vụ bảo tàng. Mỗi hiện vật, mỗi kỷ vật đều mang theo câu chuyện của riêng mình, có lịch sử và số phận riêng. Nhiều hiện vật rất thiêng liêng, thậm chí là đại diện cho một thời kỳ làm báo với tư cách là những di sản vô giá để lại cho đời sau...”, các cán bộ bảo tàng chia sẻ với tôi. Và tấm thẻ nhà báo mang tên Nguyễn Khoa Bội Lan được cấp năm 1948 là một thí dụ, trên nền giấy nâu cũ sờn còn in rõ chữ ký của chủ bút nổi tiếng Lưu Quý Kỳ. Nhà báo Bội Lan, trong vai trò là đặc phái viên của Báo Cứu Quốc (nay là Báo Đại đoàn kết), xuất thân nữ sinh trường Đồng Khánh, từng làm Báo Ánh Sáng và Nhà Xuất bản Tân Văn hóa, cùng với Hải Triều, Lưu Quý Kỳ, Chế Lan Viên ra tờ báo “Xã hội mới” với cương vị chủ bút. Năm 1947, mặt trận Huế vỡ, bà ra Bắc, rồi được điều vào Liên khu V. Năm 1950, bà sang Lào giúp bạn làm tờ báo Neo Lào Hắc Xạt... Tấm thẻ nhà báo được bà Bội Lan mang theo bên mình suốt nửa thế kỷ và sau đó tặng cho ông Dương Phước Thu (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế) - một nhà báo đam mê nghiên cứu sưu tầm. Tháng 9 năm 2016 vừa qua, trong Lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại khu vực miền trung - Tây Nguyên, ông Thu đã trực tiếp hiến tặng Bảo tàng. Hành trình từ không đến có “Chỉ cần hình dung có những tờ báo, tấm ảnh thời chiến, có lẽ đã được cẩn thận cất vào ba-lô các nhà báo chiến trường ngày ấy, qua bao bom đạn, chết chóc rồi mới tới ngày hòa bình, vì thế nhiều tờ có tuổi đời cả nửa thế kỷ... là chúng tôi đã thấy rưng rưng trong lòng rồi! Rất vui là từ 2015 đến nay đã có hơn 30 địa phương tích cực hỗ trợ, nhiệt tình tham gia sưu tầm, hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí”, chị Kim Hoa cho hay. Trong một thời gian ngắn, chị cùng các đồng nghiệp đã lăn lộn khắp các tỉnh, thành tìm kiếm, sưu tầm hiện vật. Tại Đà Nẵng, gặp đúng trận mưa lớn, nước ngập sâu, các cán bộ bảo tàng phải bì bõm đội hiện vật lên đầu cho khỏi ướt để tập kết ra xe. Những nhà báo làm bảo tàng là thế, phải nhanh, phải lao vào cuộc, và không cho phép mình ngồi một chỗ chờ hiện vật về. Thậm chí, phải nghĩ cách làm sao để hiện vật phát huy giá trị của mình tốt nhất, hiệu quả nhất. Đó là lý do mà tại các lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tổ chức ở TP Hồ Chí Minh và Tây Nguyên, chỉ là Ban quản lý Dự án thôi, song họ đã nỗ lực đi mượn tủ và tổ chức trưng bày hiện vật tại chỗ. Cách làm này đã bày tỏ được thái độ trân trọng đối với hiện vật được hiến tặng trong thời điểm bảo tàng chưa ra đời, được nhiều nhà báo và thân nhân hưởng ứng. Tại TP Hồ Chí Minh, vợ cố nhà báo Nguyễn Khắc Cần - nguyên giám đốc Đài phát thanh Nam Bộ tặng lại toàn bộ kỷ vật, tư liệu gắn liền với đời làm báo của ông cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tại Gia Lai, nhà báo Mai Chí Vũ - Giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Plây Cu hiến tặng Bảo tàng Báo chí chiếc loa lịch sử có in chữ CCCP -1962 nằm trong dàn loa từng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh với địch ở bờ sông Bến Hải nổi tiếng và một thiết bị phục vụ ghi âm, phát thanh đời cũ mà nếu bán cho dân sưu tầm cũng thu về cả cây vàng... Nhờ thế mà cơ ngơi bảo tàng khấm khá dần lên. Một hành trình từ không đến có. Hiện tại, hồ sơ và thủ tục thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã hoàn tất. Dự kiến trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức công bố thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam sau khi có Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Bảo tàng sẽ chính thức bước vào giai đoạn quan trọng tiếp theo, thiết kế và thi công để tạo nên một diện mạo riêng có của những người làm báo Việt Nam - nơi ký ức được lưu giữ và tiếp tục đồng hành cùng lịch sử...

Nguồn: nhandan.com.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam