Tiếp tục gìn giữ “lửa cách mạng” trong từng hiện vật…
“Khi đến với Bảo tàng, thông qua khám phá sự phát triển của báo chí các tỉnh, thành, khách tham quan có thể hiểu thêm về lịch sử đất nước, con người, lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng của các địa phương, vùng miền trong cả nước cũng như các ấn phẩm báo chí tiêu biểu qua các thời kỳ được giới thiệu phong phú tại các không gian trưng bày của Bảo tàng” - Nhà báo Trần Thị Kim Hoa kỳ vọng.
Tại mỗi tỉnh, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với các nhà báo lão thành, Hội Nhà báo, báo Đảng, Đài phát thanh, truyền hình, Tạp chí văn học, nghệ thuật, Bảo tàng và Thư viện. Ở mỗi nơi, những câu chuyện về lịch sử báo chí gắn với từng địa phương lại được kể lại đầy sinh động qua người thật việc thật và các hiện vật quý. Tiếp đoàn tại Trà Vinh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tăng Chí Huấn và Phó Chủ tịch Sơn Hùng đã giới thiệu về lịch sử báo chí Trà Vinh, về vai trò của định hướng thông tin, công tác tư tưởng của báo chí trong tỉnh, đặc biệt ở vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Trà Vinh đã tạo điều kiện thuận lợi để đoàn công tác sưu tầm được các ấn phẩm và các bản số hóa về Báo Anh Dũng, Vĩnh Trà, Trà Vinh… phản ánh quá trình phát triển của báo chí trong tỉnh. Từ cuộc gặp gỡ ấy, những người làm công tác bảo tàng có thể hình dung được một nét chấm phá trên dòng chảy của báo chí cả nước, báo chí Trà Vinh được thành lập và đi vào hoạt động từ khi Tỉnh ủy Trà Vinh được thành lập vào năm 1930 với tờ báo Cờ Búa Liềm; tiếp đến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp với tờ Trà Vinh ra đời vào năm 1947 dưới sự quản lý trực tiếp của Ty Thông tin Tuyên truyền. Đến năm 1960, sau khi Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Trà Vinh được thành lập, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh cũng thành lập Tiểu ban Thông tấn Báo chí và xuất bản tờ báo Anh Dũng. Tháng 2/1976, tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long hợp nhất thành tỉnh Cửu Long, Báo Anh Dũng (tỉnh Trà Vinh) và Báo Vĩnh Long Giải phóng (tỉnh Vĩnh Long) cũng được nhập lại thành Báo Vĩnh Trà rồi đổi tên thành Báo Cửu Long. Sau khi chia tách tỉnh năm 1992, các cơ quan báo chí Trà Vinh được kiện toàn lại và hoạt động liên tục cho đến hôm nay.
Đến với tỉnh Vĩnh Long, đoàn công tác đã khai thác tài liệu, hiện vật báo chí Vĩnh Long từ năm 1928 – 2023. Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Thư - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, cùng các nhà báo lão thành của tỉnh Vĩnh Long, đại diện các cơ quan báo chí, Bảo tàng, Thư viện tỉnh đã chia sẻ nhiều câu chuyện hay về nghề làm báo, các hình ảnh, tư liệu về báo chí Vĩnh Long giúp đoàn có thêm tư liệu phục vụ các hoạt động mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang thực hiện.
Sau buổi làm việc, đoàn đến các cơ quan báo chí, Thư viện và Bảo tàng tỉnh sưu tầm hình ảnh, hiện vật liên quan đến hoạt động báo chí qua các thời kỳ. Các tờ báo tiền thân của báo chí Vĩnh Long xuất hiện sau ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại Ngã Tư Long Hồ (năm 1928) và các cơ quan thông tin khác dù dưới tên gọi nào đều đảm đương nhiệm vụ truyền bá đường lối, chính sách của Đảng; vạch trần âm mưu, tội ác kẻ thù và cổ vũ phong trào hành động cách mạng của Nhân dân trong tỉnh… Đó là, tờ Công Nông Binh (từ 1929), Lao Khổ (từ 1930), Chiến Thắng (từ 1946), Thông Tin Vĩnh Long (từ 1947), Thông Tin Vĩnh Trà (từ 1951) và nối tiếp đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với các tên gọi: Hòa Bình Thống Nhất (từ 1954), Kèn Giải Phóng (từ 1960), Giải Phóng (từ 1965), Quyết Thắng (từ 1968) rồi đổi tên thành Vĩnh Long Giải Phóng sau thắng lợi ngày 30/4/1975 lịch sử và hiện nay là Báo Vĩnh Long… Cùng với đó, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Tạp chí Cửu Long trở thành những kênh báo chí quan trọng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, các bộ phận của Tiểu ban Thông tấn - Báo chí được tách ra thành Báo Vĩnh Long Giải Phóng trực thuộc sự lãnh đạo quản lý của Tỉnh ủy, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tỉnh Vĩnh Long thuộc Thông tấn xã Việt Nam, các bộ phận còn lại về Sở Thông tin và Bưu điện tỉnh.
Chia sẻ về ấn tượng trong hành trình tìm kiếm hiện vật, cán bộ bảo tàng Quang Minh cho biết: Điều mà chúng tôi cảm thấy tự hào đó chính là được đi, được đến, được cảm nhận và được nhìn thấy rất nhiều tư liệu quý về Báo chí Cách mạng Việt Nam. Một trong những điểm đến để lại ấn tượng chính là tại An Giang. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tân Văn Ngữ và đại diện các cơ quan báo chí đã tiếp đoàn và trao tặng nhiều tài liệu, hiện vật về báo chí An Giang như các ấn phẩm Báo An Giang qua các thời kỳ, kỷ yếu và hiện vật từ Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Tạp chí Thất Sơn của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật, nhiều ấn phẩm của các huyện thị và cơ quan đơn vị trong tỉnh. Các cơ quan báo chí An Giang trưởng thành trong kháng chiến, được tổ chức bài bản sau ngày đất nước thống nhất và luôn được giữ được lửa cách mạng qua từng con chữ cho đến ngày hôm nay.
…Lửa cách mạng qua từng con chữ dường như đã góp phần tạo động lực lớn thôi thúc những người làm công tác Bảo tàng tiếp tục hành trình kiếm tìm hiện vật về nghề báo ở các tỉnh thành cả nước. Bước sang năm 2024, các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị được đặt ra bao gồm các sự kiện và trưng bày chuyên đề tại Hội báo Toàn quốc và nhân các ngày lễ lớn của đất nước, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 75 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực trong việc phát huy tối đa giá trị lịch sử di sản báo chí nước nhà, triển khai thành công Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và các chương trình lớn,…
Ngoài ra, Bảo tàng sẽ tiếp tục đưa hoạt động hướng dẫn, đón khách thăm quan đi vào nề nếp, tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các đoàn tham quan; tiếp tục thúc đẩy công tác quảng bá các hoạt động của Bảo tàng đến với công chúng qua các kênh truyền thông của Bảo tàng, qua các phương tiện truyền thông đại chúng và tại các sự kiện do Bảo tàng tổ chức; Chú trọng công tác truyền thông online và giáo dục công chúng. Thường xuyên giữ mối liên hệ với các tổ chức trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác về mặt chuyên môn, chú trọng truyền thông sâu, rộng về lịch sử báo chí tới đông đảo Nhân dân và bạn bè quốc tế…
Đặc biệt, lãnh đạo Bảo tàng Báo chí cũng nhấn mạnh rằng, các chuyến đi tìm kiếm hiện vật sẽ tiếp tục được duy trì và đây cũng chính là những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của đơn vị thời gian tới. Bảo tàng dự kiến sẽ tiếp tục đi sưu tầm tại một số tỉnh còn lại là Lai Châu, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Hậu Giang, Tiền Giang… như một cách để gìn giữ tốt nhất “lửa cách mạng” trong các hiện vật, cũng là cách gìn giữ lửa nghề cho những người làm công tác Bảo tàng Báo chí.
Sông Mây - Minh Thân