Tôn tạo Di tích địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 1949, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra quyết liệt, nhận thấy vai trò đặc biệt của đội ngũ nhà báo cách mạng - một lực lượng xung kích quan trọng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho báo chí. Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng diễn ra ngày 04/4/1949.“Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhằm khắc ghi một sự kiện lịch sử về lớp nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành văn hóa, địa chỉ đỏ nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia năm 2019 đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi cho biết, với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của Di tích hướng đến kỷ niệm 75 năm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (04/4/1949-04/4/2024) và 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, được các đồng chí lãnh đạo và các ban ngành của tỉnh Thái Nguyên tin tưởng giao trọng trách Chủ đầu tư.
“Nhờ vậy các công việc chuẩn bị bước đầu đã hoàn tất và hôm nay chúng tôi vui mừng được hiện diện ở đây cùng quý vị để long trọng tổ chức lễ động thổ khởi đầu cho việc xây dựng công trình”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi bày tỏ.
Khẳng định Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quan trọng trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử cách mạng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Trung ương, Chính Phủ, chiến khu Việt Bắc và nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Nam Tiến - Quyền Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chia sẻ, nơi đây đã có biết bao chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hoá được trưởng thành đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
“Trong tương lai không xa với vị thế của Di tích lịch sử Quốc gia và sự hình thành phát triển của Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ sẽ tạo nên một tổng thể hài hoà về văn hoá và du lịch”, đồng chí Nguyễn Nam Tiến bày tỏ tin tưởng.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Nam Tiến đề nghị các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân tạo những điều kiện thuận lợi nhất để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Tại buổi lễ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - đơn vị tài trợ của dự án đã trao 900 phần quà với tổng trị giá 500 triệu đồng đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Một số hình ảnh tại Lễ khởi công: