Trưng bày và ra mắt phim tài liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa"
Tham dự buổi lễ có Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa.
Năm 1960, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, yêu cầu thực tế đặt ra là phải có cơ quan ngôn luận để tập hợp, tổ chức nhân dân miền Nam đứng lên kháng chiến chống Mỹ. Tháng 7/1964, chủ trương xuất bản Báo Giải Phóng đã được Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam thông qua.
Ngày 20/12/1964, số Báo Giải Phóng đầu tiên đã xuất hiện trong vùng giải phóng, chuyển tới vùng ven, đưa lên Phnôm Pênh ra Hà Nội và đưa bí mật vào Sài Gòn.
Từ năm 1964 đến 1976, Báo Giải Phóng đã phát hành 375 số báo trong điều kiện đặc biệt khó khăn, gian khổ, hiểm nguy.
Những tin chiến thắng, những bài báo chiến trường nhanh chóng được in ấn, phát hành không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Mỗi chiến thắng từ trong gian khổ, ác liệt, sự ngoan cường, dũng cảm, bất khuất của quân và dân miền Nam đã được Báo Giải Phóng và các cơ quan báo chí khác truyền đạt đầy sức sống, thuyết phục vì mục tiêu cao cả giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Với những đóng góp to lớn trong lịch sử báo chí Việt Nam đặc biệt là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Báo Đại Đoàn Kết, Báo Sài Gòn Giải phóng, Hội Nhà báo TP HCM và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM tổ chức sự kiện Trưng bày và Ra mắt phim “Giải phóng – Tờ báo trên tuyến lửa”.
Sự kiện được tổ chức cũng là dịp Chào mừng Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Kỷ niệm 56 năm Ngày Báo Giải phóng ra số đầu.
Bộ phim tài liệu “Giải phóng- Tờ báo trên tuyến lửa” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất. Phim có nhiều tư liệu được công bố lần đầu, nêu bật những mốc son lịch sử ra đời của Báo Giải phóng và hoạt động của tờ báo trên khắp các chiến trường, qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng miền Nam và cả nước.
Trong bộ phim “Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa”, các nhân chứng là những lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của báo đã chia sẻ rất nhiều kí ức năm xưa. Có lúc họ phải di chuyển giữa 2 bờ của sự sống và cái chết để có thể tận mắt chứng kiến và viết. Từng con chữ thấm máu âm thầm góp một phần không nhỏ vào chuyển biến của tình thế Cách mạng miền Nam, vào sự nghiệp thống nhất đất nước. 12 năm làm báo kháng chiến, báo Giải phóng đã tập hợp một đội ngũ nhà báo của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam gồm những biên tập viên, phóng viên, công nhân xếp chữ, công nhân máy in...
Tổng Biên tập đầu tiên là nhà báo Trần Phương (Kỳ Phong), các tổng biên tập tiếp theo là nhà báo Thép Mới và nhà báo Nguyễn Văn Khuynh. Những năm tháng ấy, cùng hoạt động sôi nổi trong các chiến dịch, các phóng viên báo đã không ngại gian khổ, hy sinh, đã ghi nhận được nhiều tin, bài, hình ảnh, sự kiện lịch sử quan trọng. Bằng ý chí và tình cảm cách mạng, bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu, họ đã làm nên bức chân dung oanh liệt, tự hào của một tờ báo chiến trường.
Nhà báo Nguyễn Hồ, cựu Phóng viên Báo Giải phóng, nguyên Phó Giám đốc Đài truyền hình TP HCM, nguyên Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP HCM đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam sưu tập bài báo, bản thảo đăng trên Báo Giải Phóng từ năm 1965- 1977 và nhiều tư liệu khác.
Nhà báo Phương Hà, cựu Phóng viên Báo Giải phóng, Báo Đại Đoàn Kết hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam máy ảnh và áo tối phóng viên để xử lý ảnh sau khi chụp, được ông sử dụng trước năm 1975 và một số tư liệu khác.
Soạn giả Khúc Hà Linh, là người rất yêu quý báo Giải phóng và đã nhiều lần cộng tác viết bài. Ông đã tặng lại Bảo tàng Báo chí Việt Nam Thư của các Báo Nhân dân, Giải phóng, Cứu Quốc, văn nghệ gửi ông qua các năm từ 1963 đến 1978 và Giấy chứng nhận Thông tin viên của Báo Quân Khu Tả ngạn cấp cho ông.
Nguồn: Baotangbaochi.vn/daidoanket.vn